Phân cấp nửa vời, tù mù trách nhiệm

Sau hàng loạt dự án sân golf mọc lên ồ ạt khắp cả nước đến việc tỉnh, TP nào cũng có trường đại học, KCN, gần đây dư luận lại xôn xao khi nhiều tỉnh công bố quy hoạch sân bay (mới nhất là An Giang, Kon Tum). Trong khi đó, nhiều sự cố xảy ra lại không thể quy trách nhiệm cho cụ thể một cơ quan nào, đơn cử như những vụ lọt hố, sụp cống ở TP.HCM…

Vì sao lại có tình trạng như vậy? Tại nhiều cuộc hội thảo về cải cách bộ máy Chính phủ và chính quyền địa phương gần đây, vấn đề này đã liên tục được đặt ra. Nhiều chuyên gia chỉ rõ đó là do những bất cập của quá trình phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương hiện nay.

Phân cấp nhưng chẳng phân quyền

GS-TS Phạm Hồng Thái (ĐHQG Hà Nội) chỉ ra thực tiễn khi phân cấp luôn nảy sinh mâu thuẫn là các cơ quan cấp trên thường không muốn giao cho cấp dưới quyền giải quyết những công việc vốn đã trao cho mình hoặc những công việc được coi là đương nhiên thuộc quyền quản lý của mình. Trong khi cấp dưới lại muốn được phân cấp càng nhiều càng tốt.

Chính vì vậy mới có chuyện phân cấp chưa đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, phân cấp quyền lực, tài chính, phân cấp về quản lý nhân sự. Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định: “Hầu hết việc phân cấp hiện nay chỉ dừng lại ở việc phân cấp nhiệm vụ. Điều này đã cản trở chính quyền cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí gây rối loạn. Điển hình như giao nhiệm vụ giáo dục mẫu giáo, tiểu học và THCS cho cấp huyện nhưng việc quản lý các dự án đầu tư liên quan, việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều nơi vẫn do cấp tỉnh chịu trách nhiệm”.

Phân cấp nửa vời, tù mù trách nhiệm ảnh 1

Một chiếc taxi đã lọt xuống cái hố nằm sát mặt đường vào ngày 14-7 nhưng chưa xác định được đơn vị nào quản lý hố này. Ảnh: CTV

Trăm hoa đua nở là không ổn

Theo ông Lê Viết Thái, có thực tế là tình trạng phân cấp hiện nay chưa phù hợp với tình hình ở địa phương, đặc biệt chưa tương ứng với năng lực của chính quyền cấp dưới. Chúng ta cũng chưa sử dụng những hình thức phân cấp khác nhau phù hợp với điều kiện thực tiễn, chưa gắn với phối hợp, chưa đi liền với giám sát, đánh giá.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa bổ sung: Hiện nay việc phân cấp giữa trung ương và địa phương vẫn chưa rõ trung ương làm đến đâu, địa phương làm đến đâu. “Và như vậy Chính phủ làm sao mạnh được khi vấn đề phân cấp chưa giải quyết dứt điểm?” - ông Hòa đặt câu hỏi.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký - Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng tình trạng phân cấp theo kiểu mạnh ai nấy làm tạo ra một cuộc chạy đua giữa các địa phương. Điển hình nhất là trong phân cấp đầu tư, địa phương nào cũng đua nhau thu hút đầu tư mà không có một nhạc trưởng sẽ làm phá vỡ toàn bộ quy hoạch, kế hoạch chung.

“Phân cấp không có nghĩa là mạnh ai nấy làm, trăm hoa đua nở, trăm nhà lên tiếng mà phải có sự phối hợp với các địa phương xung quanh tạo nên kinh tế vùng. Bởi vì nếu có rất nhiều cảng biển sẽ không có cảng biển lớn, nếu có rất nhiều sân bay sẽ không có sân bay lớn… Chúng ta phải kiên quyết tránh hiện tượng biến 63 địa phương thành 63 chính phủ kinh tế riêng biệt. Hiện nay rõ ràng địa phương nào cũng thích mình có bến cảng, sân bay, trường đại học… như thế là không được” - ông Huỳnh nhấn mạnh.

Tiến tới mô hình địa phương tự quản

Để giải quyết những bất cập trong phân cấp hiện nay, nhiều chuyên gia đã đưa ra mô hình tự quản ở địa phương. “Xu hướng chung của thế giới là làm cho “ít nhà nước” hơn và tăng tính tự quản của cộng đồng. Theo đó nhà nước cần tập trung giải quyết những vấn đề chiến lược quốc kế dân sinh, giải quyết những vấn đề lớn mà phạm vi cộng đồng không giải quyết nổi” - GS Phạm Hồng Thái nói.

Theo GS Thái, những việc đã phân cấp cho địa phương thì nên giao cho địa phương toàn quyền giải quyết, trung ương chỉ thực hiện kiểm tra về tính hợp pháp chứ không nên can thiệp, chỉ đạo địa phương khi đã phân cấp. Ông Lê Viết Thái cũng cho rằng phải phân cấp toàn diện từ nhiệm vụ, tài chính và nhân sự, phân cấp từng bước phù hợp với năng lực cấp tỉnh. Bên cạnh đó, xác định rõ nguyên tắc phối hợp giữa Chính phủ và địa phương theo hướng tăng cường phân cấp và nâng cao hiệu quả giám sát của Chính phủ.

“Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là làm giảm vai trò của trung ương mà ngược lại trung ương làm đúng việc phải làm. Đó là quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính thống nhất trong bức tranh vĩ mô của nền kinh tế để tránh việc buông quyền, thiếu kiểm soát” - ông Huỳnh lưu ý.

Hố của ai?

Ngày 14-7-2011, một chiếc taxi đã lọt xuống cái hố nằm sát mặt đường Hồng Hà ở phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Trả lời báo Thanh Niên, đội trưởng Đội Thanh tra số 8 - Thanh tra Sở GTVT TP cho rằng đây là hệ thống thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vị trí cái hố (thoát nước) nằm trên vỉa hè chứ không phải dưới lòng đường.

Trong khi đó, theo một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT), phần vỉa hè là do quận Tân Bình quản lý. Đội Thanh tra số 8, Công ty Thoát nước đô thị TP đã đến hiện trường để ghi nhận vụ việc. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được đơn vị nào quản lý hố này.

Ngày 9-10-2010, chị Hà Thị Tuyết Mai chở con đi học về đến trước nhà 913 Kha Vạn Cân (Thủ Đức) thì xe bị va vào miệng hố ga nhô ra đường khiến chị Mai té ngã và bị xe tải cán chết.

Theo thông tin báo chí, việc xác định rõ đơn vị nào là tác giả của hố ga này rất khó khăn. Xí nghiệp Thoát nước Phía Đông (thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP) - đơn vị phụ trách tuyến cống thoát nước đường Kha Vạn Cân cho rằng sở dĩ hố ga bị nhô ra là do quá trình chỉnh trang vỉa hè của quận Thủ Đức. Tuy nhiên, lãnh đạo quận này lại nói chính Công ty Thoát nước đô thị TP mới là chủ đầu tư làm đoạn đường trên chứ không phải quận…

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm