Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân:

Phải đột phá với 7 chương trình đột phá

Chiều 6-7, sau ba ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.

Thay đổi cách làm, đổi mới ý chí

Phát biểu bế mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi đã hài lòng với bảy chương trình đột phá đã làm trong 2,5 năm đầu nhiệm kỳ chưa. Ông Nhân cho rằng chưa thể hài lòng được vì chưa đạt được vai trò đột phá. “Sáng tạo là khâu then chốt thì chưa hoàn thành. Nếu không thay đổi cách làm, đổi mới ý chí thì sẽ không hoàn thành bảy chương trình đột phá. Cần phải phân công lại, xác định cách làm mới một cách quyết liệt hơn” - ông Nhân nói.

Cụ thể, trong chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nhân cho rằng đến năm 2020 chắc là đạt được các chỉ tiêu đề ra. Riêng phần thu hút chuyên gia trình độ cao, có thể trả lương 80-100 triệu đồng, ông Nhân cho rằng chưa phát huy tốt, đến nay mới ký hợp đồng được 15 người, như thế là chưa thành công.

Trong chương trình cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tỏ thái độ lo lắng và trăn trở khi các chỉ số về cải cách hành chính, năm 2015 TP đứng hạng 18, nay đứng thứ 10 nhưng mục tiêu hạng năm vẫn còn xa. Đặc biệt, nhiều chỉ số thành phần còn thấp. “Đây là điều đáng suy nghĩ” - ông Nhân nói và tỏ ra lo lắng về điều này.

Hay như trong sáng kiến thư xin lỗi vì chậm trễ giải quyết hồ sơ cho dân, ông Nhân cho rằng đây là sáng kiến hay, thời gian đầu một số quận/huyện làm tốt nhưng giờ dường như đã bị quên. Có quận xử lý 1.000 hồ sơ bị trễ nhưng chỉ có 66 hồ sơ có thư xin lỗi, cần phải suy nghĩ lại.

Không chỉ trong cải cách hành chính, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra điểm nghẽn trong các lĩnh vực khác như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Theo ông Nhân, nếu không có sự đột phá thì không thể hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra. Trong những năm cuối nhiệm kỳ, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc làm một cách quyết liệt hơn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải đột phá trong cách thực hiện  bảy chương trình đột phá. Ảnh: TÁ LÂM

Chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất dịch vụ

Trước những khó khăn này, ông Nhân cho rằng cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế vận hành của TP, theo phương châm coi nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, coi sáng tạo của người lao động là động lực mạnh mẽ nhất để phát triển, trong đó 5 triệu người lao động phải là 5 triệu người sáng tạo.

Ông Nhân cũng cho rằng giải pháp thứ hai là tập trung quyết liệt thực hiện Nghị quyết 54, trong đó cần bàn cách tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì hiện nay khâu này chậm quá.

Một giải pháp khác mà ông Nhân đặt ra là chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất dịch vụ. Giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỉ đồng nếu đem đấu giá. Đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP.HCM phát triển.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để có động lực thì phải nghe dân, để dân đánh giá cán bộ, tiến tới đánh giá tổ chức Đảng. Bởi lâu nay chúng ta chưa có cơ chế để nhân dân giám sát Đảng nên cần phải suy nghĩ về giải pháp này.

Ai không hoàn thành nhiệm vụ nên điều chuyển

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường, đề cập đến bảy chương trình đột phá, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng nếu đã là đột phá thì phải trọng tâm, trọng điểm và đánh dứt điểm. “Từng chương trình chúng ta tham vọng rất lớn. Chúng ta, ai cũng trung tâm, cái gì cũng quan trọng, ông nào không quan trọng, không trung tâm là không chịu” - ông Lắm nói.

Do đó ông Lắm đề nghị trong hơn hai năm còn lại của nhiệm kỳ phải tập trung rà soát thật kỹ, chọn đúng những nội dung công việc mà chúng ta sẽ thực hiện được. Những nội dung này phải hết sức cụ thể, công khai cho nhân dân biết để nhân dân giám sát.

Đơn cử như trong chống ngập, ông Trương Văn Lắm cho rằng trong hơn hai năm tới, chính quyền TP giải quyết được điểm ngập tại tuyến đường nào thì công khai cho dân biết. “Nếu chỉ nói chung chung chúng ta giải quyết được các điểm ngập nhưng xuất hiện điểm ngập mới thì người dân không tin vì vẫn còn ngập. Khi mình nói rõ, cụ thể điểm nào và khi đến cuối nhiệm kỳ mình giải quyết được điểm đó thì người dân sẽ tin chính quyền nói và chính quyền làm được” - ông Lắm nói.

Liên quan đến nguồn lực, ông Lắm cho rằng chính quyền TP nên tính toán cụ thể. “Ngân sách đang hạn hẹp và không phải có liền nên phải tính toán phù hợp” - ông Lắm nói và cho rằng nên quy đầu việc, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị.

“Như trong chống kẹt xe, cuối nhiệm kỳ không hoàn thành thì trách nhiệm thuộc về Sở GTVT nhưng nguyên nhân không hoàn thành có thể là do giải phóng mặt bằng chậm. Như vậy, trách nhiệm giải phóng mặt bằng thuộc về ai?” - ông Lắm nói và đề nghị xem xét trách nhiệm cụ thể, ai không hoàn thành nhiệm vụ thì nên điều chuyển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm