Ông Nguyễn Thế Kỷ: Phóng viên là người thi hành công vụ

Như Pháp Luật TP.HCM đã có bài phân tích, hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp cũng như việc hành hung nhà báo phải bị xử lý nghiêm cả về dân sự lẫn hình sự. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Kỷ (ảnh)- Vụ trưởng Vụ Báo chí-xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự lo ngại trước các vụ việc liên quan đến hành hung, đe dọa nhà báo nhưng chưa được giải quyết dứt điểm thời gian qua.

Xử lý chưa kiên quyết

. Ông đã từng là tổng biên tập, đã bao giờ bản thân ông, phóng viên của ông bị hành hung hoặc bị đe dọa hành hung chưa?

+ Bản thân tôi thì chưa nhưng khi tôi còn làm quản lý ở đài (Đài phát thanh truyền hình Nghệ An - PV), có trường hợp phóng viên của tôi ghi hình một vụ gây rối đã bị bọn xấu bẻ micro gắn trên máy quay.

. Ông có nhận được thông tin về các vụ hành hung và đe dọa các nhà báo trong thời gian qua không? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Phóng viên là người thi hành công vụ ảnh 1+ Tôi vừa nhận được thông tin phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng thường trú tại Quảng Bình bị một chủ doanh nghiệp tư nhân hành hung không chỉ một lần mà đến hai lần, dùng cả xe để rượt đuổi. Trước đó, phóng viên Minh Quốc (Báo Ảnh Việt Nam) trong đêm dạ tiệc của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cũng bị tấn công và xúc phạm bởi một thứ ngôn ngữ kém văn hóa và trịch thượng. Rồi chuyện một phóng viên Báo Khánh Hòa bị đâm trước cổng tòa soạn... Đó là những việc làm vi phạm trắng trợn pháp luật, cụ thể là Luật Báo chí. Luật pháp quy định rõ nhà báo hoạt động theo khuôn khổ pháp luật được nhà nước bảo hộ, không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở nhà báo hoạt động.

Sau khi nhận được thông tin về các sự việc trên thì Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là cơ quan đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên đã lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp cần thiết để bảo vệ các nhà báo hành nghề đúng pháp luật, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, cản trở nhà báo hoạt động và hành hung nhà báo.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là sau những sự việc như thế, báo chí và công luận đã phản ánh bức xúc nhưng việc xử lý các sự việc dường như chưa thật kiên quyết, triệt để. Đây là mối quan ngại của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cũng như các nhà báo.

Phải đeo bám đến cùng

. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung cho biết đến nay hội chưa nhận được trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan có trách nhiệm. Ban Tuyên giáo Trung ương có hành động cụ thể gì không, thưa ông?

+ Ban cũng đã có ý kiến cùng Bộ Thông tin-Truyền thông đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại xử lý nghiêm và dứt điểm những sự việc trên. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, đến nay có nhiều sự việc chưa xử lý xong hoặc xử lý chưa thỏa đáng thì rõ ràng ban, bộ, hội cần phải bám sự việc hơn nữa. Nghĩa là chừng nào sự việc chưa được giải quyết thỏa đáng thì mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt với tư cách quản lý, chỉ đạo báo chí phải bảo vệ anh em hoạt động nghiệp vụ.

Chúng tôi đang bàn với nhau là trước mỗi sự việc như thế, nếu cần thiết thì cả ba cơ quan (Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội Nhà báo) thành lập một tổ công tác để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết sự việc đến nơi đến chốn. Nếu làm được như vậy thì tôi tin chắc những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp chắc chắn sẽ được giảm xuống ở mức thấp nhất.

. Theo quan điểm của ông, hành vi đe dọa, hành hung nhà báo có bị coi là chống người thi hành công vụ không?

+ Khi một phóng viên thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật thì nhà nước bảo hộ hoạt động đó. Lúc đó phóng viên đương nhiên là người thi hành công vụ. Khi tôi viết một bài báo thì nó không chỉ mang dấu ấn cá nhân tôi mà là tôi thực hiện nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao. Và cao hơn cả đó là thiên chức của người làm báo được xã hội giao phó. Nhà báo tác nghiệp phục vụ cho lợi ích chung của đất nước, của nhân dân thì nhà nước phải bảo vệ, nhân dân cũng phải bảo vệ. Chúng ta mong đợi và yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm đưa các vụ việc ra ánh sáng, coi đó không chỉ là việc xử lý thích đáng những kẻ coi thường pháp luật mà còn là cách để tuyên truyền pháp luật đến mọi người dân.

. Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM:

Cần quy định rõ trong Luật Báo chí

Tôi cho rằng cần giải thích rõ thế nào là thi hành công vụ và thế nào là chống người thi hành công vụ. Ví dụ như công an truy bắt mà bị đánh trả thì dễ xác định việc đánh trả đó là đánh trả người thi hành công vụ. Nhưng một cán bộ tiếp dân đang ngồi tiếp dân mà bị đánh thì người đánh có bị xem là có hành vi đánh người thi hành công vụ hay không?

Khi đã rõ những điểm trên thì cũng cần xác định hoạt động của nhà báo là thi hành công vụ. Đây là trường hợp đặc biệt vì công vụ thường được hiểu là những công việc do người trong bộ máy chính quyền thực hiện. Trong khi đó, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp, không phải là một cơ quan thuộc chính quyền.

Theo tôi, Luật Báo chí nên quy định rõ hoạt động báo chí là thi hành công vụ. Quy định như vậy thì khi xảy ra việc hành hung, đập máy ảnh, xúc phạm danh dự nhà báo, các cơ quan liên quan sẽ xác định đây là hành vi đối với người thi hành công vụ. Khi nhà báo đang tác nghiệp như giơ máy ảnh lên chụp ảnh, bị đánh thì có thể hiểu là đang thi hành công vụ nhưng nếu nhà báo đang trên đường mà bị đánh thì tất nhiên không thể xem là đang thi hành công vụ được.

LÊ KIÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm