Niềm tin và sự đồng lòng sẽ ​đưa đất nước vượt qua đại dịch

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Đây chính là một trong những biểu tượng của niềm tin mà nhân dân gửi gắm, niềm tin vào những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, niềm tin vào những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Sự gặp nhau của niềm tin và chính sách đúng đắn

. Phóng viên: Cho đến nay, tình hình người dân, doanh nghiệp ủng hộ quỹ như thế nào? Sự ủng hộ ấy nói lên điều gì, thưa bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chính phủ cũng như Bộ Tài chính nhận thấy rằng khi người dân có niềm tin và chính sách là đúng đắn, phục vụ cho lợi ích của quốc gia, của người dân thì nhân dân trong và ngoài nước sẽ tích cực ủng hộ.

Điều đó đã trở thành hiện thực khi cho đến nay, hàng chục triệu lượt người đã ủng hộ bằng các hình thức khác nhau, từ chuyển khoản, nhắn tin qua tổng đài cho đến các doanh nghiệp ủng hộ với số tiền lớn. Đặc biệt, một số tập đoàn kinh tế, cá nhân ủng hộ số tiền lớn như Vingroup, sân golf Long Thành, Sun Group, EVN…

Điều đáng nói là dù trong tình hình khó khăn như vậy nhưng người dân và doanh nghiệp, các tổ chức đều tích cực ủng hộ và thực hiện cam kết ủng hộ quỹ một cách mau chóng. Cho đến nay, các doanh nghiệp, tập đoàn cam kết ủng hộ số tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng về cơ bản đã chuyển cho quỹ đúng như cam kết.

Tôi cho rằng không có quỹ nào nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, nhanh chóng đến thế nếu không có niềm tin vào một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

. Bộ trưởng cũng biết, có những khoản tiền rất nhỏ, từ những cá nhân ủng hộ quỹ. Cảm nhận của bộ trưởng về những điều ấy như thế nào?

+ Tôi cho rằng tiền đóng góp cho quỹ, dù chỉ là một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân. Và như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19”. Tôi cho rằng không có nhận định nào xác đáng hơn như vậy.

Nguồn lực quý báu và quan trọng để chống dịch

. Nhiều người cho rằng: Trong lúc khó khăn thì nhân dân ta lúc nào cũng đoàn kết, sẻ chia và quỹ vắc-xin là một biểu tượng như vậy.

+ Dân tộc ta có truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Truyền thống mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì lại bùng lên một cách mãnh liệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói rằng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bởi vậy, những khó khăn mà đất nước gặp phải luôn được nhân dân chung tay giải quyết bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng chỉ có chung một kết quả là thắng lợi.

Thời gian qua, nhất là khi dịch COVID-19 bùng lên lần thứ tư, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đồng tâm hiệp lực, nhân dân đồng lòng với tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Chính vì thế mà sáu tháng đầu năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đất nước vẫn đạt được những kết quả khả quan về kinh tế - xã hội. Tôi vẫn cho rằng kết quả đó là minh chứng cho sự đồng lòng, chung sức, đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Và rõ ràng cho đến nay, lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước đã được toàn thể nhân dân hưởng ứng, ủng hộ. Nếu không như vậy thì quỹ vắc-xin sẽ không trở thành nơi quy tụ những tấm lòng yêu thương, trách nhiệm thiết thực với công việc chung như chúng ta thấy.

. Vậy Chính phủ, mà cụ thể hơn là Bộ Tài chính sẽ “trân trọng” tấm lòng của nhân dân thể hiện qua hàng ngàn tỉ đồng gửi về quỹ như thế nào?

+ Bộ Tài chính được Thủ tướng giao quản lý quỹ. Chúng tôi quán triệt rằng: Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.

Chúng tôi thấm thía phát biểu của Thủ tướng rằng: “Quỹ vắc-xin có sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp”.

Điều quan trọng hiện nay là phải thực hiện nhanh, hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xác định. Đó là tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Bởi tiêm vaccine được xác định là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19, đảm bảo kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thực hiện đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả

. Dù quỹ có lên tới 9.000 tỉ đồng thì tôi nghĩ rằng ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò chủ yếu, đảm bảo chủ đạo, chủ động lâu dài.

+ Dĩ nhiên, chúng ta phải xác định rằng: Trong lúc đời sống nhân dân còn khó khăn, doanh nghiệp cũng đang cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình đầy bất trắc thì ngân sách nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo và là chủ yếu nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa chống dịch hiệu quả. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã luôn tham mưu ban hành nhiều nghị định, chính sách giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn như gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng; giãn, hoãn thuế 27.400 tỉ đồng; giảm 30 loại phí, lệ phí…

Bộ Tài chính xác định kinh phí Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 là vô cùng quý báu, quan trọng. Bộ phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch và sử dụng Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất, không phụ lòng tin của nhân dân.

Mặt khác, cần phải có sự quản lý thống nhất, xuyên suốt trong vấn đề sử dụng quỹ. Cụ thể là khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ cấp ngân sách cho Bộ Y tế, Bộ Y tế chịu trách nhiệm mua vaccine và tiêm cho người dân. Sau đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm gửi hồ sơ cho Bộ Tài chính để Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin của bộ và Kho bạc Nhà nước.

Bộ Tài chính đảm bảo quỹ được chi minh bạch nhất, khách quan nhất và đảm bảo hiệu quả. Chẳng hạn khi quỹ có số dư, Bộ Tài chính tổ chức đấu thầu để gửi tiền bảo toàn quỹ, khi quỹ chưa sử dụng thì gửi vào các ngân hàng thương mại để giữ đảm bảo tiền gửi. Khi có quyết định cấp tiền ra thì Bộ Tài chính rút tiền ra và cấp cho Bộ Y tế kịp thời để bảo toàn vốn và đảm bảo cho việc thực hiện sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

. Xin cám ơn bộ trưởng.

Khẩn trương để có nguồn lực mua đủ vaccine cho dân

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngay từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư… đã có chủ trương mua vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân. Kinh phí được xác định là sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của Chính phủ, Việt Nam cần phải mua được khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 75 triệu dân. Chính vì vậy, nguồn kinh phí phải chi ra cần trên 25.000 tỉ đồng. Trong khi đó, ngân sách đang dành kinh phí cho chống dịch, bảo đảm nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Do đó, cần có một quỹ để tập trung nguồn lực cùng với ngân sách nhà nước để mua vaccine chống dịch COVID-19 hiệu quả.

 Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng ngày 24-5 đề xuất thành lập quỹ. Cũng rất mau chóng, ngày 26-5, Chính phủ đã ban hành nghị quyết và Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 do Bộ Tài chính quản lý. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng, kịp thời để huy động nguồn lực cùng với ngân sách nhà nước nhằm hiện thực hóa chủ trương mua vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân.

Ngay sau khi có cơ sở pháp lý quan trọng này, Bộ Tài chính đã thành lập Ban quản lý Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 đặt tại Kho bạc Nhà nước, do một phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước làm giám đốc ban quản lý quỹ và mở tài khoản ngay để tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời công khai số tài khoản và số điện thoại, xây dựng website để hướng dẫn thuận lợi nhất cho người ủng hộ chuyển tiền. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm