KỶ NIỆM NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10

Những phụ nữ quên mình vì chữ hiếu

“... Nếu có một điều ước, em sẽ ước cho mẹ khỏi bệnh để không phải chịu những cơn đau hành hạ…” - là tâm sự của em Trần Thị Hồng Linh (huyện Củ Chi, TP.HCM). Nhiều năm nay, ngoài việc học, em phải thay ba lo cho mẹ mắc bệnh suy thận mạn tính, chăm sóc bà ngoại già yếu và một người bác mắc bệnh tâm thần. Linh là một trong số 341 tấm gương hiếu thảo được tuyên dương dịp này.

Tuổi đôi mươi “gánh” cả gia đình

Một mình Linh vừa lo toan cơm áo gạo tiền để thuốc thang cho người thân lại phải cố gắng học tốt. Nhiều lúc Linh muốn gục ngã nhưng nghĩ đến những người thân đang cần mình nên em lại tiếp tục cố gắng vượt qua.

Lên sáu tuổi, ba mất, Linh phải phụ mẹ bán xôi ở cổng trường. 12 năm liền học phổ thông em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Linh hiện là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Vừa đi học em vừa làm gia sư, cùng em gái làm hoa voan, chăn nuôi heo, gà để có tiền chạy thận cho mẹ.

Từ trường trên Thủ Đức về nhà ở Củ Chi em phải đi đến bốn chuyến xe buýt. Về tới nhà lo cho mẹ xong em lại phải chạy ngay vào bệnh viện với bà ngoại. “Nhiều hôm em thấy đuối, tính nghỉ học mà mẹ không cho. Năm nay em gái cũng vào đại học nên hai chị em sẽ vừa học vừa làm để chăm lo cho gia đình” - Linh tươi cười nói.

Những phụ nữ quên mình vì chữ hiếu ảnh 1

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt chị Phùng Thị Ngọc khi kể về cuộc đời của mình (ảnh trái). Đôi mắt đượm buồn của sinh viên Trần Thị Hồng Linh khiến nhiều người xúc động trước hoàn cảnh của em (ảnh phải).

Người con dâu hiếu thảo

Người rơi nước mắt nhiều nhất trong lễ tuyên dương người con hiếu thảo chính là chị Phùng Thị Ngọc (quận Bình Thạnh). Mỗi khi nghe hỏi về gia đình của mình chị Ngọc đều bật khóc, câu nói đứt quãng, gãy gập như chính cuộc đời gian truân của chị.

Chị Ngọc làm điều dưỡng viên tại một bệnh viện. Hằng ngày, ngoài công việc ở cơ quan chị còn cáng đáng công việc chăm sóc mẹ chồng 87 tuổi bị tai biến nằm một chỗ, mẹ ruột 85 tuổi thường xuyên đau ốm và một người chị của chồng 62 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ và con trai cũng bị tự kỉ - chậm phát triển. Chồng đi làm ăn xa, không ai chia sẻ nên nhiều lúc chị như muốn suy sụp bởi sống giữa “vòng vây” người bệnh.

Với tấm lòng hiếu thảo, trách nhiệm của một nàng dâu, chị đã không ngại khó, hết lòng chăm sóc gia đình chồng cũng như vẹn toàn cuộc sống gia đình của mình.

“Nhiều hôm nằm một mình tôi chỉ biết khóc. Nhưng nghĩ đến tình thương của cha mẹ dành cho mình nên tôi cố gắng vượt qua. Công việc điều dưỡng ở bệnh viện rất mệt, nhiều hôm phải trực suốt đêm, về lại chăm sóc cho mẹ, chị chồng và con… Những công việc ấy khiến đầu óc tôi luôn quay cuồng. Nhiều lúc tôi định buông xuôi tất cả nhưng nghĩ lại nếu mình chết thì ai sẽ chăm sóc cho mẹ, cho chị, cho con nên lại thôi” - chị nén tiếng thở dài.

“Bố mất sớm, nhà dột, mẹ phải tự trèo lên lợp lại. Khi tôi bệnh, mẹ đã cõng tôi đến trạm y tế… Nghĩ đến đó tôi lại thấy thương mẹ hơn” - chị Ngọc trải lòng. Mắc bệnh tiểu đường nhưng chị chưa dám đi chữa trị vì phải dành tiền để chăm sóc cho những người thân trong gia đình.

Vất vả chẳng kém chị Ngọc, ngày chồng qua đời, chị Lê Thị Mai Lan (quận 5) mới 30 tuổi. Khi đó, mọi người đều nghĩ chị sẽ từ bỏ gia đình chồng bởi gia đình anh vô cùng khó khăn. Cha mẹ chồng chị già yếu, đứa em chồng lại nghiện ngập, bản thân chị phải nuôi thêm ba đứa con thơ: đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ mới lên hai. Nhưng rồi bằng tình thương yêu, hiếu thảo, suốt 10 năm nay chị đã làm lụng đủ nghề đề kiếm sống, làm trụ cột cho gia đình của người chồng đã mất.

Con là y tá riêng cho mẹ

Cô bé có cái tên khá ấn tượng Sakena, người dân tộc Chăm, mới 19 tuổi nhưng trông thật già dặn.

Trong 15 năm qua, phong trào Người con hiếu thảo đã được vận động ở hầu hết các phường, xã thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Đã có gần 126.000 lượt gương hiếu thảo được tuyên dương, trong đó có hơn 3.800 cá nhân đạt danh hiệu Người con hiếu thảo năm năm liền, 775 cá nhân nhận danh hiệu Người con hiếu thảo 10 năm liên tiếp.

Mẹ em bị bệnh tiểu đường từ nhiều năm qua, đi lại rất khó khăn, phải ngồi một chỗ. Sakena vừa đi học vừa chăm sóc mẹ, quán xuyến việc nhà. Đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em vừa ôn bài vừa phải chăm sóc mẹ bệnh nặng.

Đặc biệt, vì nhà khó khăn, mẹ lại đau ốm, phải nhập bệnh viện thường xuyên nên em còn học cách chích thuốc để tiết kiệm chi phí cho mẹ. “Em là y tá riêng cho mẹ mà” - Sakena cười tự hào.

Khi được hỏi về gánh nặng đối với gia đình đang đặt trên vai em, Sakena khiêm tốn: “Em nghĩ ai làm con cũng phải chăm lo cho gia đình. Hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là trách nhiệm của mỗi người con mà còn là tấm gương để sau này con cháu noi theo”.

Hiện tại Sakena đang làm việc tại một cửa hàng thức ăn nhanh để có tiền trang trải việc chi tiêu trong gia đình, mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Phần còn lại em dành dụm để ôn thi đại học. Sakena nói em sẽ nỗ lực hơn nữa để đậu vào ngành sư phạm trong năm tới cho thỏa ước mơ làm cô giáo.

HÀN GIANG - KHẮC HUY - DƯƠNG THU 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm