Những khái niệm tùy tiện

Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh rằng trong quá trình cưỡng chế, “Công an tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các lực lượng tham gia chỉ bắt giữ những người quá khích cản trở lực lượng cưỡng chế”.

Còn trước đó, khi làm việc với báo giới về vụ việc này, chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên nói: “Phải xem lúc bị đánh các phóng viên có xưng là nhà báo không, có thẻ hành nghề không hay là khi bị đưa về cơ quan công an mới xưng là nhà báo. Vấn đề này cần làm rõ mới xác định được tính chất vụ việc”.

Hai phát ngôn của hai quan chức một tỉnh đồng bằng sát nách thủ đô đã ngay lập tức gây chấn động dư luận. Bởi vì theo tường trình của hai nhà báo và nhất là những hình ảnh đang lan tràn trên Internet thì lại thấy ngược với chỉ đạo của công an tỉnh, hai nhà báo không có bất cứ biểu hiện nào “quá khích” cũng như “cản trở” lực lượng cưỡng chế, mà vẫn bị rất đông cảnh sát và dân phòng lao vào hành hung, bắt giữ! Tương tự thế, theo tường trình thì dù hai nhà báo có xưng danh, có nói đang làm nhiệm vụ thì dùi cui vẫn vung lên kèm những tiếng chửi thề, thẻ nhà báo cũng bị thu giữ và (để chắc ăn) hai tay nhà báo vẫn bị còng, bị áp giải về huyện!

Như vậy có thể thấy đã có cự ly rất lớn về kiến thức liên quan đến quyền tác nghiệp của nhà báo cũng như sự hiểu biết về hai từ “quá khích” và “cản trở” giữa quan chức tỉnh Hưng Yên và đông đảo dư luận xã hội. Không có bất cứ ai lên tiếng ủng hộ lý lẽ của hai vị quan chức, song hàng ngàn ý kiến bạn đọc trên các trang mạng đã phẫn nộ vì cách phát ngôn vô trách nhiệm! Và ý kiến gây phẫn nộ nhất lại là từ ông chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên khi đòi nạn nhân phải trưng ra “bản gốc” clip thì mới thừa nhận (dù ông giám đốc công an tỉnh xác nhận có thấy nhà báo bị đánh) cũng như “dọa” mấy ngày tới sẽ tổ chức đối chất để tìm sự thật, trong khi ông không thấy việc xác minh này là trách nhiệm của tỉnh!

Thật buồn là ở những người đang lãnh đạo nhân dân lại có thứ hiểu biết như thế!

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm