Nhiều ý kiến của Mặt trận rơi vào im lặng

Ngày 11-4, Ủy ban Trung ương MTTQ đã tổ chức hội nghị ban chủ nhiệm các hội đồng tư vấn nhằm triển khai kế hoạch năm 2008. Mặc dù đánh giá năm 2007 các hội đồng tư vấn của MTTQ đã tập trung trí tuệ, đóng góp cho Đảng, nhà nước nhiều ý kiến quý báu về chủ trương, chính sách, nhiều ý kiến của Mặt trận đã được tiếp thu... Tuy nhiên, nhiều ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ VN bày tỏ sự bức xúc vì chưa có cơ chế để buộc người có trách nhiệm phải lắng nghe.

Định đoạt rồi, Mặt trận vẫn chưa hay

Câu chuyện thời sự về việc mở rộng Hà Nội là ví dụ điển hình về việc Mặt trận bị phớt lờ trong những quyết sách lớn. Đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn về khoa học, giáo dục của MTTQ, GS Nguyễn Lân Dũng, bức xúc: “Tháng 5 tới Quốc hội mới bàn chuyện mở rộng thủ đô nhưng tôi đã nghe cử tri râm ran chuyện tiếu lâm: Không biết ở bốn xã của Hòa Bình sắp về Hà Nội có trang trại của ông lớn nào không? Tại sao lại chỉ có bốn xã này của huyện Lương Sơn được về Hà Nội? Khi dân đặt ra câu hỏi như vậy có nghĩa là người ta còn phân vân, lo lắng về chuyện quốc sự này”.

Theo GS Dũng, những sự việc mang tầm vóc như thế cần phải được lấy ý kiến người dân, các nhà chuyên môn và các tổ chức xã hội. Việc lấy ý kiến còn là để xem lòng dân có thuận không. “Vậy mà một chủ trương lớn như thế gần như đã được định đoạt rồi nhưng Mặt trận chỉ biết được thông qua báo chí, dư luận. Không thấy ai nói là xin ý kiến Mặt trận về chuyện ấy cả!” - Phó Chủ tịch MTTQ VN Cư Hòa Vần nói.

Thành viên Hội đồng tư vấn về đối ngoại nhân dân và kiều bào, ông Nguyễn Văn Chương, cũng lên tiếng: “Việc mở rộng Hà Nội lẽ ra Mặt trận phải được biết. Tôi cũng thấy lạ là Quốc hội chưa bàn chuyện này nhưng HĐND các tỉnh có liên quan đã quyết. Lạ hơn nữa là HĐND TP Hà Nội lại có quyền thông qua nghị quyết để lấy đất của tỉnh khác về thủ đô Trong khi đối tượng tác động trực tiếp là những người dân sống ở khu vực chịu tác động lại không hề được hỏi ý kiến”.

Nhân dân phải được tham chính

Thành viên Hội đồng tư vấn các vấn đề xã hội, GS Tương Lai, phân tích: Các hội đồng tư vấn của MTTQ hiện nay hoạt động thiếu tính thực chất, lãng phí thời gian. Sự lãng phí, kém hiệu quả đó không phải do sự yếu kém của những người tư vấn mà lý do là nhiều ý kiến tư vấn đã bị rơi vào sự im lặng đáng sợ. GS Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế, phân tích thêm: Chính sách, pháp luật của ta thường ít khách quan, nặng tính chủ quan. Tiếng nói khách quan của các chuyên gia, các nhà tư vấn của Mặt trận bị phớt lờ trong nhiều trường hợp.

“Mặt trận cứ nói nhưng hiệu quả thế nào thì phải trông chờ xem những người có trách nhiệm có nghe hay không. Nhưng sợ nhất là người ta chỉ nghe thôi nhưng không làm. Nếu nghe mà không làm thì rất đáng sợ vì lúc đó người ta sẽ lấy tiếng nói của Mặt trận làm bình phong... Tôi đọc không ít dự luật trước khi trình Quốc hội, thấy luật nào người ta cũng viết là “đã lấy ý kiến Mặt trận”. Đúng là có lấy ý kiến thật đấy nhưng nhiều đóng góp của mình người ta có tiếp thu, có đưa vào đâu” - GS Bách bức xúc.

GS Tương Lai kiến nghị phải làm sao có cơ chế buộc những người có trách nhiệm phải lắng nghe và phải phản hồi các ý kiến của Mặt trận. Mặt trận là nơi hội tụ tiếng nói của dân, nếu tiếng nói của Mặt trận không được lắng nghe thì câu khẩu hiệu “dân nói, dân bàn, dân kiểm tra” trên chỉ là hình thức.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật Lương Văn Đạt cũng đề xuất Mặt trận không nên đợi “bên trên” chỉ đạo, yêu cầu thì mới làm mà hãy xắn tay vào việc nếu thấy cần thiết. Theo ông Đạt, trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì nhân dân phải thực sự tham chính dưới hai hình thức là phản biện và giám sát.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm