BỐN NĂM HỌC VÀ LÀM THEO GƯƠNG BÁC:

Nhiều tấm gương từ cuộc đời bình dị

Nhiều tấm gương từ cuộc đời bình dị ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trò chuyện với các cá nhân xuất sắc học và làm theo gương Bác. Ảnh: YT

Ngày 12-12, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết bốn năm triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Cuộc vận động - CVĐ), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: “Sau bốn năm nhìn lại, chúng ta đã có thể khẳng định đây là một quyết định đúng đắn, cần thiết, là sự tương hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Tuy không thể thống kê, lượng hóa đầy đủ kết quả của CVĐ, song xét trên tổng thể, những chuyển biến tiến bộ từ mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị đến sự phát triển chung của các ngành, các lĩnh vực và cả nước đã nói lên giá trị to lớn và hiệu quả thiết thực của CVĐ”.

Học Bác để làm việc có ích

Qua bốn năm thực hiện, CVĐ đã không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu suông hay những cuộc thi mang tính hình thức mà đã được các cơ quan, đoàn thể, cá nhân triển khai bằng hành động thiết thực. Đặc biệt, ngày càng nhiều người dân đã xem đạo đức Bác Hồ như là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình.

Đó là Đào Thu Hương, phiên dịch viên của tổ chức Samaritan’s Purse, Việt Nam. Với Hương, câu nói “Thương binh tàn nhưng không phế” được Bác nói khi tới thăm Trường Thương binh Hà Nội năm 1956 đã thực sự là động lực để Hương vượt lên chính mình, thay đổi chính cuộc đời đã có lúc tưởng như không còn ý nghĩa gì nữa. Bị khiếm thị từ năm 10 tuổi nhưng với nỗ lực đáng nể, Hương được tuyển thẳng vào khoa tiếng Anh trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong suốt bốn năm học ĐH, Hương luôn là một trong những sinh viên dẫn đầu lớp và tốt nghiệp thủ khoa với điểm tổng kết 8,75...

Khi ra trường, Hương chọn công việc tại một tổ chức phi chính phủ để có thể giúp đỡ cho không chỉ những người khiếm thị mà còn nhiều người khác đang phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống. “Tấm gương sáng của Bác Hồ vẫn luôn song hành cùng mỗi bước tôi đi” - Thu Hương bộc bạch.

Nhiều tấm gương từ cuộc đời bình dị ảnh 2

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ xúc động trước sự nỗ lực phi thường của cô gái khuyết tật Đào Thu Hương. Ảnh: TTXVN

Riêng với Sùng A Phủ, dân tộc H' Mông, tỉnh Lai Châu thì học tập tấm gương của Bác là phải biết áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Chẳng thế mà khởi nghiệp từ 10 con dê và một con trâu từ số vốn 15 triệu đồng vay nhà nước, đến nay gia đình anh đã có hơn 100 con dê, 12 con trâu, 10 rừng thảo quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ thế, thấm nhuần lời dạy “thương người như thể thương thân” của Bác, anh đã nhận nuôi hai em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, cho các cháu ăn học đầy đủ. Ngoài ra, anh còn hiến mảnh đất 5.000 m2 để xây dựng điểm Trường Mầm non Hô Bon và vận động bà con đóng góp tiền để thuê máy san ủi mặt bằng xây dựng điểm Trường Tiểu học Hô Bon. Nhờ những nỗ lực này, hầu hết trẻ em ở bản anh đã được đến trường...

Cán bộ chủ chốt càng phải nêu gương

Thực hiện CVĐ, ngoài những phong trào lớn trên quy mô cả nước như Quỹ Vì người nghèo; các đợt quyên góp, giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt; CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; xây dựng Quỹ Trái tim cho em, Quỹ Tấm lòng vàng… mỗi địa phương còn tìm tòi những cách riêng để lồng ghép những tư tưởng tốt đẹp của Bác vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo trung ương CVĐ, kết quả thực tế của CVĐ còn chưa đồng đều, chưa vững chắc. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến hạn chế của CVĐ chính là sự vào cuộc chưa tích cực của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu. Chưa có nhiều tấm gương của lãnh đạo các cấp trong việc làm theo Bác Hồ, trong khi sự tha hóa của một số cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đã gây tác động xấu, làm sa sút niềm tin của nhân dân vào ý nghĩa, tác dụng của CVĐ.

Về phương hướng sắp tới, Ban chỉ đạo CVĐ đề xuất Bộ Chính trị không tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo CVĐ các cấp mà giao trách nhiệm cho thường vụ cấp ủy trực tiếp chỉ đạo triển khai; sớm ban hành chương trình khóa XI của CVĐ gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Cạnh đó, để kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống trong thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần sớm ban hành quy chế phối hợp thực hiện nội dung CVĐ với ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cùng cấp và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội về đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Năm kinh nghiệm thiết thực

Qua bốn năm thực hiện CVĐ, chúng ta có thể rút ra năm kinh nghiệm thiết thực:

Thứ nhất, phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ. Đội ngũ cốt cán, trước hết là người đứng đầu, cần gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo và thực hiện CVĐ.

Thứ hai, phải xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung và hướng dẫn thực hiện CVĐ một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với thực tế; quá trình thực hiện cần tìm tòi và bổ sung các giải pháp, bước đi phù hợp.

Thứ ba, phải xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống dễ nhớ dễ thuộc, phù hợp với từng loại hình công việc, từng loại đối tượng. Cần phát huy dân chủ thực sự, cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp lấy ý kiến của quần chúng góp ý cho cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện để quần chúng góp ý nhiều hơn.

Thứ tư, cần xác định quan điểm đây là CVĐ lâu dài, tiến hành trong nhiều năm, cho nhiều thế hệ, tránh tâm lý nôn nóng, chủ quan, kỳ vọng quá nhiều, quá sớm vào kết quả CVĐ, đồng thời khắc phục tư tưởng cầm chừng, hoài nghi, bàng quan.

Thứ năm, tổ chức thực hiện CVĐ cần chọn đúng, trúng điểm chỉ đạo; tập trung xây dựng, phát huy vai trò, tác dụng của các đơn vị làm điểm; xây dựng các điển hình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người thường xuyên tiếp xúc, phục vụ nhân dân.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm