Nhiều bộ, ngành chi sai tiền ngân sách

Ngày 25-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán niên độ ngân sách 2011. Theo đó, nhiều tỉnh, thành chi ngân sách vượt dự toán thường xuyên được HĐND giao đầu năm. Trong đó có những địa phương chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt trên 30%.

Một số bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Quốc hội thực hiện sai quy định chi, chuyển nguồn và kiểm soát sử dụng kinh phí kém hiệu quả.

Chi vượt, chi sai tràn lan

Theo ông Đào Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN, qua kiểm toán quản lý chi ngân sách Nhà nước 23/28 tỉnh, TP chi vượt dự toán thường xuyên được HĐND giao đầu năm. Ngoài ra, các tỉnh còn sử dụng 386 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất,… để chi thường xuyên sai quy định (Khánh Hòa 88 tỉ đồng, Bạc Liêu 86 tỉ đồng, Quảng Nam 37 tỉ đồng, Thừa Thiên Huế 37 tỉ đồng, Quảng Trị 20 tỉ đồng,…).

Nhiều bộ, ngành chi sai tiền ngân sách ảnh 1

KTNN họp báo công bố kết quả kiểm toán niên độ năm 2011 vào chiều 22-7. Ảnh: Trà Phương

Theo KTNN, việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước sai chế độ, sai tiêu chuẩn, định mức tại các bộ, ngành, địa phương có chiều hướng gia tăng. 21/28 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí là 1.840 tỉ đồng gồm Cà Mau 532 tỉ đồng, Quảng Ninh 457 tỉ đồng, Trà Vinh 77 tỉ đồng, Quảng Nam 53 tỉ đồng,… Ba địa phương sử dụng sai nội dung nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên là Đà Nẵng, Bạc Liêu và Nam Định. Kiểm toán kiến nghị thu hồi 9,7 tỉ đồng ngân sách Nhà nước tại 14 bộ, ngành được kiểm toán (năm 2010 con số kiến nghị thu hồi là 4,1 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, KTNN cũng cho biết nhiều bộ và địa phương thực hiện chuyển nguồn sai quy định 103 tỉ đồng; một số bộ, ngành, địa phương ứng trước dự toán vượt tỉ lệ quy định ( Bộ GTVT 103%, Nghệ An 22%, Hà Tĩnh 23%,…) hoặc một số bộ ứng nhưng không giải ngân, giải ngân thấp (Dự án mở rộng QL1A Hoàng Mai - Cầu Giát (Nghệ An) mới giải ngân 38%). Ngoài ra, nhiều bộ ngành phân bổ và giao dự toán chậm, chưa phù hợp nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Từ đó làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong điều hành, hạn chế chất lượng kiểm soát chi và hiệu quả sử dụng kinh phí.

Nợ của các tập đoàn gần 70% vốn

Kết quả kiểm toán 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty cho thấy nợ phải trả của các đơn vị này lên tới gần 70% tổng số vốn. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.
Trong đó, tỉ lệ nợ phải trả ở Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) gần 90% trên tổng nguồn vốn, thậm chí là trên 90% như Tổng Công ty Xây dựng Việt Nam (Vinaincon). Cũng theo KTNN, nợ quá hạn phải trả ở một số tập đoàn, tổng công ty cũng đang ở mức cao. Trong đó, những cái tên nợ quá hạn được KTNN “điểm danh” là Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) với số nợ quá hạn gần 1.370 tỉ đồng; Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8) là hơn 73 tỉ đồng, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng có số nợ vay quá hạn hơn 150 tỉ đồng. “Việc vay và sử dụng vốn vay ở các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn nhiều bất cập. Một số dự án dầu tư sử dụng vốn vay theo đánh giá của ngành kiểm toán là không hiệu quả và chậm tiến độ dẫn tới khó trả nợ” - KTNN nhận định. Trong khi số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty ở mức cao thì nợ phải thu của những đơn vị này được KTNN đánh giá là “quản lý chưa chặt chẽ, nợ xấu cao”. Trong đó, tỉ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của nhiều công ty lên tới trên 30%-50%. như Công ty Cổ phần Xây lắp và Sản xuất Công nghiệp (40%), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (trên 39%), Công ty Cổ phần Vimeco thuộc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (trên 44%),... Ở những doanh nghiệp khác, kiểm toán cho rằng có tình trạng quản lý nợ tạm ứng không chặt chẽ dẫn tới nợ phải thu quá hạn tồn đọng lớn, tạm ứng bằng tiền mặt lên tới hàng chục tỉ đồng nhưng chậm thu hồi.

Sau khi có kết quả kiểm toán 2011, KTNN đã chuyển cơ quan công an điều tra năm vụ việc để điều tra tiếp. Gồm có: dự án cấp thoát nước của Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên quyết toán khống hơn 3 tỉ đồng so với hồ sơ. Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc) ký hợp đồng với ba công ty TNHH tại Tiền Giang để mua gạo và ứng trước tới 90% vốn (tương đương 143 tỉ đồng chưa kể lãi) nhưng đến thời hạn không nhận được hàng. Công ty Tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT có dấu hiệu vi phạm về cơ cấu vốn. Tiếp đến là Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai mua đất nông nghiệp trong diện quy hoạch với số tiền vài chục tỉ đồng. Cuối cùng là Công ty Tài chính Sông Đà đã huy động cũng như sử dụng vốn có dấu hiệu tiêu cực trong việc chi lương, khuyến mãi, mua bán ngoại tệ.

Chính sách điều hành giá xăng dầu hiện còn nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng Quỹ bình ổn giá. Bởi trong giai đoạn kinh doanh lỗ nhưng vẫn phải trích Quỹ bình ổn, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư nhưng vẫn phải sử dụng quỹ. Việc thay đổi mức trích, chi quỹ không hoàn toàn bám sát sự biến động giá của thị trường nên doanh nghiệp bị động và mất nhiều thời gian để tính toán số liệu theo từng chu kỳ…

Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm