Nhiệm kỳ Quốc hội thành công, phát huy dân chủ mạnh mẽ

Ngày 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp phiên thứ 54 cho ý kiến báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của QH.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ trong kỷ cương, quy định của hiến pháp, pháp luật.

Chủ tịch QH tại phiên họp thứ 54 Ủy ban Thường vụ QH ngày 15-3. Ảnh: T.NG

Quyết định những dự án quan trọng quốc gia

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, hoạt động lập pháp trong nhiệm kỳ tiếp tục khẳng định hoàn thiện thể chế là “một khâu đột phá của sự phát triển”. Đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp 2013 trên các định hướng lớn: Hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy của nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân và hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Cũng theo ông Uông Chu Lưu, QH khóa XIV đã có những khác biệt so với các khóa trước khi quyết định những quyết sách lớn. Ngay từ những kỳ họp đầu tiên, QH đã quyết định chương trình đầu tư công trung hạn năm năm. Điều này giúp hình thành được những dự án, công trình quan trọng quốc gia hay những dự án Nhà nước đầu tư ngân sách… bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của 63 đoàn đại biểu (ĐB) QH, chống được hiện tượng xin-cho hay những điều trước đây cử tri và nhân dân chưa hài lòng.

“QH khóa XIV quyết định những chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia như xây dựng sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dừng xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận” - ông Lưu dẫn chứng.

Phó chủ tịch QH cũng đánh giá hoạt động giám sát chuyên đề và chất vấn có những đổi mới. Cụ thể, đã chọn rất đúng, rất trúng những vấn đề bức xúc, vấn đề lớn mà cử tri, nhân dân và ĐBQH quan tâm.

Tuy nhiên, ông Lưu cũng cho rằng hoạt động giám sát vẫn nặng về xem xét các báo cáo, chưa dành nhiều thời gian để đi thực tế từng nơi, lật đi lật lại từng vấn đề và thực hiện việc giám sát tận cùng.

“Nếu làm tốt hơn nữa việc làm rõ tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm từng chủ thể và có chế tài thì đó là điều cử tri và nhân dân mong muốn” - ông Lưu nói và cho rằng đây là những hạn chế phải khắc phục trong thời gian tới.

Hài lòng về hoạt động của các thành viên Chính phủ tại QH

Phát biểu sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá đây là một nhiệm kỳ QH thành công. “Một nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Tôi thấy khiêm tốn cách mấy chúng ta cũng có thể đánh giá được…” - bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch QH, đây là nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ nhưng dân chủ trong kỷ cương, theo quy định của hiến pháp, pháp luật. “Mở rộng dân chủ từ thảo luận sang tranh luận. Trước đây có tranh luận nhưng cách thể hiện chưa rõ bằng nhiệm kỳ này” - bà nói.

Chủ tịch QH cũng cho hay bà rất hài lòng với hoạt động của các thành viên Chính phủ tại QH. Các thành viên Chính phủ đứng trước QH giải trình, báo cáo rất rõ ràng, lưu loát, nắm công việc trên từng lĩnh vực rất chặt chẽ, sâu sắc...

Các cơ quan của QH càng ngày công việc càng chất lượng, hiệu quả hơn. “Phản biện sâu sắc, chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm; chọn đúng vấn đề đất nước cần tháo gỡ để đi lên” - bà Ngân dẫn chứng.

Theo bà, những thành tựu, dấu ấn trên cần được đánh giá sâu sắc để làm bài học kinh nghiệm cho QH khóa XV.

“QH khóa sau làm tốt hơn khóa trước, đó là quy luật. Có như vậy đất nước mới phát triển được” - Chủ tịch QH nhấn mạnh và cho rằng đất nước phát triển được như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của hoạt động dân cử nói chung và QH nói riêng.

Công tác nhân sự được đồng thuận cao

Cũng tại phiên họp, trình bày dự thảo báo cáo gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay công tác nhân sự được QH khóa XIV xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.

“Kết quả lấy phiếu không chỉ là thước đo hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây còn là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy, cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

 

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng vào đầu tháng 4-2021

Dự kiến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV khai mạc ngày 24-3, bế mạc ngày 8-4 sẽ dành phần lớn thời gian để làm công tác nhân sự.

Theo chương trình dự kiến, QH sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 30-3. Chủ tịch QH mới sẽ được bầu sau đó một ngày (31-3).

Tiếp đó, sáng 1-4, QH sẽ bỏ phiếu kín để bầu một số phó chủ tịch QH. Chiều cùng ngày, QH sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sáng 2-4, QH sẽ bầu Chủ tịch nước mới bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

Chiều 2-4, QH sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngay sau đó, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu Thủ tướng mới. Việc bầu Thủ tướng sẽ được tiến hành vào sáng 5-4.

Trong các ngày tiếp theo QH sẽ làm công tác nhân sự với một số chức danh phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, chủ nhiệm một số ủy ban của QH, tổng Kiểm toán Nhà nước, tổng thư ký QH, Hội đồng bầu cử quốc gia...


Còn tình trạng không thống nhất trong thực hiện pháp luật

Cũng trong ngày 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.

Báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH cho hay trong nhiệm kỳ, các cơ quan của QH đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%.

Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã tiếp nhận hơn 1.800 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời được 95% trong số này.

Báo cáo cũng cho hay bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Đáng chú ý là tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn. Đến nay còn 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời.

Ban Dân nguyện nhận định: Vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Cụ thể, cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Tuy nhiên, trả lời cử tri, quan điểm của Bộ Tư pháp và TAND Tối cao chưa thống nhất. Bộ Tư pháp cho rằng hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với bất kỳ số lượng nào đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Trong khi đó, TAND Tối cao lại cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01, tại đó quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi nêu trên.

“Trên thực tế, Thông tư liên ngành số 01 đã hết hiệu lực thi hành” - Ban Dân nguyện nêu rõ và cho rằng việc hai cơ quan không thống nhất quan điểm như trên có thể gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong áp dụng pháp luật.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm. Dẫn chứng, báo cáo nêu việc cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị... phản ánh một số trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới.

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho hay bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý vấn đề này. “Như vậy, mặc dù đã hơn ba năm kể từ ngày Nghị định 167 quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công có hiệu lực nhưng việc thực hiện quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công vẫn chưa kịp thời như cử tri đã phản ánh” - Ban Dân nguyện nêu. T.NG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.