Nhà nước chỉ đầu tư hạng mục phi lợi nhuận ở sân bay Long Thành

Dự án đầu cảng hàng không quốc tế Long Thành tiếp tục được CP trình ra QH sáng nay, với đề nghị được thông qua chủ trương đầu tư ngay trong kỳ họp này.

Theo trình bày của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, báo cáo lần này có một số điều chỉnh so với lần trình QH kỳ họp trước. Theo đó, tổng mức đầu tư giai đoạn I được rà soát giảm bớt 2,6 tỷ USD, còn 5,2 tỷ USD.
Lý do chủ yếu là giảm quy mô giải phóng mặt bằng còn 2.750 ha, tập trung cho diện tích dành cho hàng không dân dụng (thay vì cả 5.000 ha của toàn bộ dự án). Giảm hạng mục đầu tư còn một đường cất hạ cánh, thay vì hai, đồng thời tính đơn giá xây dựng của các nước trong khu vực (trước tính theo đơn giá của Nhật Bản).
Báo cáo cũng dự kiến phương án nguồn vốn giai đoạn I, theo đó nguyên tắc là Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, khuyến khích khu vực tư đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng sinh lợi nhuận.
Cụ thể, vốn ngân sách và ODA sẽ được dành cho những hạng mục cơ bản như cải tạo, chuẩn bị đất, đường cất hạ cánh, đường lăn, các công trình thiết yếu. Vốn ngân sách cũng được dùng cho các công trình, trụ sở quản lý nhà nước như cảnh sát, hải quan, công an cửa khẩu, đài kiểm soát không lưu...
Với các hạng mục được giả định sẽ có lợi nhuận thì kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài hoặc thông qua hình thức xã hội hóa. Các hạng mục này gồm nhà ga hành khách, trung tâm khai thác của các hãng hàng không, khu bảo trì tàu bay và hangar, kho hàng hóa, khu bảo trì trang thiết bị phục vụ mặt đất...
Về giải pháp huy động vốn, nguồn ODA cho giai đoạn I sân bay Long Thành sẽ được kêu gọi từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, cũng như từ Chính phủ các nước Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết quá trình chuẩn bị dự án vừa qua đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh tiếng, bày tỏ sẵn sàng hợp tác vào các hạng mục bằng nhiều hình thức khác nhau như BOT, PPP. Trong số này, tập đoàn ADP của Pháp đã đề nghị cụ thể đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và tự huy động 1 tỷ USD nữa từ ngân hàng. Sau khi QH có nghị quyết cho chủ trương đầu tư, CP sẽ có cơ sở pháp lý để làm việc với các đối tác tiềm năng, trên cơ sở đó sẽ có tính toán chi tiết tiếp theo.
Đánh giá tác động của dự án tới nợ công, báo cáo của CP cho biết nếu ngân sách nhà nước cân đối đủ thì việc đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tác động tối đa 0,22% GDP vào năm 2024-2025. Còn nếu ngân sách không đủ, phải vay thêm để cân đối, thì mức tác động mạnh hơn, 0,28% GDP vào 2024. Con số này là không lớn so với tổng mức nợ công 62,3% GDP của năm 2015 này.
Mục tiêu CP đặt ra là giai đoạn I dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được triển khai từ 2018-2025, và sẽ phấn đấu để hoàn thành sớm, đưa vào khai thác năm 2022. Lúc ấy, công suất khai thác sẽ ở mức 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự báo, từ năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Khi Long Thành đi vào khai thác, sẽ có sự điều chỉnh công năng hai sân bay, để nâng cao tối đa hiệu suất khai thác.
Theo chương trình kỳ họp, ngay trong sáng nay, các ĐBQH sẽ thảo luận về chủ trương đầu tư siêu dự án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm