Người còn thiếu việc trong cơ quan hành chính

Cải cách thủ tục, quy trình hành chính trong thời gian qua đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia tại hội thảo cải cách hành chính do Học viện Hành chính tại TP.HCM (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức mới đây thì điều này chỉ ở bước cải cách hình thức. Vấn đề trọng tâm và cốt lõi mà giai đoạn cải cách tiếp theo (2011-2020) phải làm là cải cách người công vụ - cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính hiện nay.

Cải cách con người là cấp thiết

PGS-TS Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP, nhìn nhận cần phải cải cách vấn đề con người trong bộ máy hành chính, vì đó mới là yếu tố quan trọng bậc nhất; còn cải cách thủ tục, quy trình hành chính chỉ là mặt hình thức.

Có thể nói vấn đề cải cách con người trong bộ máy hành chính hiện nay là cấp thiết. TS Đỗ Thị Ngọc Lan, Học viện Hành chính tại TP.HCM, dẫn lại số liệu của Bộ Nội vụ về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức (năm 2010) cho hay: 33% cán bộ, công chức không làm gì, 33% gọi là có việc làm và 33% làm việc thực sự. Còn tại TP.HCM, theo kết quả khảo sát của nhóm chuyên gia tư vấn UNDP cho thấy đội ngũ công chức của TP hiện vừa yếu, vừa thiếu lại vừa chênh lệch về trình độ chuyên môn. Công chức có thâm niên chiếm tỉ lệ lên đến gần 70%. Họ có kinh nghiệm nhưng lại thiếu kỹ năng cần thiết trong một nền hành chính hiện đại. Cụ thể là chỉ có 6/28 công chức được khảo sát có thể tự nghiên cứu tham mưu đề xuất một đề tài khoa học gắn với thực tiễn công việc đảm nhận.

Người còn thiếu việc trong cơ quan hành chính ảnh 1

Thực hiện thi tuyển cạnh tranh là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng trong bộ máy hành chính. Trong ảnh: Thi tuyển công chức tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Phân tích sâu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Lan chỉ ra công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức ở nước ta trong thời gian qua chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học đánh giá cán bộ, công chức cũng thế: chủ yếu đánh giá dựa vào tập thể, mang tính cảm tính, thân quen, chưa có cơ chế tuyển dụng người thực sự có đức, có tài vào làm việc; chưa thực hiện thi tuyển cạnh tranh mà lại chú trọng tới bằng cấp, ít khi xem xét các yếu tố khác theo yêu cầu của từng vị trí việc làm. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng trên, hậu quả không thể tránh khỏi sẽ là lãng phí tiền Nhà nước, số lượng người làm việc đông, lương thấp, không khuyến khích làm việc, không công bằng…

Bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”

Đề ra hướng khắc phục tình trạng trên, PGS-TS Trương Thị Hiền nhấn mạnh phải kiên quyết loại trừ tình trạng “thất nghiệp trá hình”, “thất nghiệp tiềm ẩn” trong bộ máy hành chính. Hiện nay trong cơ quan hành chính, “người thiếu việc” là một hiện tượng được xem là đang tồn tại hiển nhiên. “Tình trạng “sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về” phải được nhìn nhận đúng và cắt bỏ một cách phù hợp” - PGS-TS Trương Thị Hiền kiến nghị.

Muốn thế, trước hết cần phải xây dựng chế độ chính sách phù hợp với từng loại cán bộ, công chức gắn liền với công việc. Theo PGS-TS Hiền, hiện nay chúng ta chưa đảm bảo được việc cán bộ, công chức sống bằng lương nên tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” hay “đi đêm” trong quản lý hành chính xảy ra như một tiền lệ mà nền hành chính đang phải mặc nhiên thừa nhận.

Để thực hiện được vấn đề trên, việc đầu tiên là cần xây dựng thang giá trị đánh giá đúng thực chất hiệu quả công việc của cán bộ, công chức để tránh đánh giá trình độ, hiệu quả công việc theo kiểu cào bằng. Ví dụ như việc công nhận chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp hiện nay cần phải dựa trên cấp độ chuyên môn chuyên sâu chứ không phải công nhận theo chức danh. Không nên duy trì tình trạng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp như một ân huệ ban cho người lãnh đạo mà không thừa nhận chuyên môn của người làm công việc hành chính.

Song song đó, cần phải xây dựng môi trường thân thiện cho cán bộ, công chức làm việc, nhất là thái độ cầu thị của lãnh đạo, biết sử dụng người có năng lực thực thụ; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp, tương xứng với năng lực, trình độ. PGS-TS Hiền phân tích: Hiện nay chúng ta đang thực hiện bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý theo bậc thang, nghĩa là phải qua cấp phó mới lên trưởng. Điều này dẫn đến mối nguy là một bộ phận chức danh trưởng là người bảo thủ trì trệ đã kìm hãm tư duy của cấp phó là cán bộ trẻ năng động cầu tiến và có thái độ cải cách. Hoặc trưởng sẽ làm cấp phó bắt chước theo lối mòn đã được định sẵn mà không dám vượt ra ngoài và lâu dần thành thói quen tuân thủ hành chính một cách máy móc. “Nên có sự sàng lọc, thử nghiệm cách thức bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý theo chế độ trình độ nào bổ nhiệm chức danh đó nhằm phát huy tối đa trí tuệ, khả năng, lòng nhiệt tình cống hiến của giới trẻ, xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng” của nền hành chính” - PGS-TS Trương Thị Hiền đề xuất.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm