Ngân sách sử dụng ra sao phải cho dân biết rõ

Cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân; phải công khai, minh bạch và có cơ chế giải trình trong quản lý ngân sách trước nhân dân. Đó là các nội dung được đưa ra tại Hội nghị góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 1-8.

Ông Đỗ Việt Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, cho rằng việc sửa đổi Luật Ngân sách là điều cần thiết vì hiện còn khá nhiều tồn tại. Chẳng hạn như việc thanh tra, kiểm tra còn chưa hợp lý, chưa đầy đủ. Kỷ luật về ngân sách chưa nghiêm, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay; gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý NSNN.

Theo ông Đức, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý NSNN. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu chi và tăng cường kiểm tra, kiểm toán trong quản lý NSNN nhằm chống lãng phí, tham nhũng.

Chuyên gia tài chính Tô Nguyên (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính) cho rằng muốn quản lý tốt ngân sách thì tất cả dự toán Chính phủ phải công khai, lấy ý kiến người dân. “Giờ mình đề cao phản biện, dân chủ thì phải công khai để người dân giám sát góp ý. Phải công khai các vấn đề liên quan đến quỹ tiền lương, biên chế, dự toán thu chi, nợ công… chứ bây giờ cái gì mình cũng không biết. Tôi là chuyên gia nhưng nếu cứ như hiện nay thì tôi cũng chẳng đóng góp được gì chứ đừng nói gì đến nhân dân” - ông Nguyên nói.

Ở một khía cạnh liên quan khác, PGS-TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt (khoa Tài chính công Học viện Tài chính) góp ý Nhà nước cần phải có tư duy quản lý ngân sách giống như một doanh nghiệp. Phải xem người dân chính là cổ đông và NSNN là một doanh nghiệp. Trong đó “cổ đông nhân dân” phải được quyền tham gia quản lý, kiểm tra, xem xét các vấn đề liên quan đến ngân sách.

“Vì nhân dân chính là người nộp thuế, phí vào ngân sách. Cũng giống như một cổ đông góp vốn vào một doanh nghiệp. Do vậy, nhân dân phải được quyền tham gia quản lý NSNN” - PGS-TS Nguyệt nói.

Cũng theo bà Nguyệt, Nhà nước hằng năm cần phải công khai, minh bạch thu chi ngân sách, nợ công, dự toán, phân bổ ngân sách để “cổ đông nhân dân” được rõ và tham gia góp ý. Tức là phải để dân biết hằng năm Chính phủ sẽ làm gì.

“Muốn quản lý ngân sách hiệu quả thì Quốc hội phải giống như một hội đồng quản trị, nhân dân là cổ đông, còn Chính phủ như một giám đốc điều hành và cơ quan tài chính chỉ là phục vụ thôi” - theo PGS-TS Nguyệt đề xuất.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm