Ngăn chặn quà tặng - biến tướng hối lộ

Dư luận vẫn còn nhiều than phiền về nạn phong bì, quà tặng cho cán bộ. Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng của TP.HCM mới đây cho hay con số nộp lại quà tặng theo quy định có nơi còn rất ít ỏi.Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với Chánh Thanh tra TP.HCM Lâm Đình Chiến xoay quanh vấn đề này.

Ông Lâm Đình Chiến nói: Thực chất việc tặng quà - nhận quà có tính chất hối lộ vẫn ngấm ngầm diễn ra, rất khó kiểm soát, phát hiện vi phạm để xử lý, cũng khó ngăn ngừa biến tướng vụ lợi.

Khó phát hiện

. Phóng viên: Vì sao dư luận than phiền nhiều về chuyện bao thư, quà tặng nhưng báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng của TP vừa qua cho thấy con số nộp lại rất ít, thưa ông?

+ Ông Lâm Đình Chiến: Quyết định 64/2007 của Thủ tướng đã nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhận quà tặng liên quan đến công vụ nên khi được tặng quà thì họ bắt buộc phải từ chối chứ không khuyến khích chuyện nhận quà tặng rồi đem nộp lại sung công quỹ. Chính vì vậy, con số nộp lại quà tặng rất ít, đừng nhìn vào số ít đó mà có suy nghĩ là còn nhiều CBCCVC khác không nộp lại quà tặng, tiêu cực… Bởi vì rất nhiều người đã từ chối nhận quà tặng ngay từ đầu, họ thật sự là những công bộc tốt mà không ai biết, không cần khen thưởng. Ngay những trường hợp nộp lại quà tặng họ cũng rất ngại chuyện khai trình, e ngại dư luận cho là “chơi nổi”, “bệnh thành tích”.

Ở đây cũng không loại trừ những CBCCVC suy thoái, âm thầm nhận quà tặng mà không nộp lại, những biến tướng quà tặng tinh vi: Tặng quà cho vợ - con, gia đình của CBCCVC; suất giao lưu du lịch nước ngoài, học bổng, quà bốc thăm trúng thưởng…

Tuy nhiên, việc phát hiện đảng viên, CBCCVC nhận quà tặng không đúng quy định mà không nộp lại là rất khó.

. Vì sao lại khó phát hiện, thưa ông?

+ Trước hết là do người dân, doanh nghiệp (DN) có thói quen đưa bao thư bồi dưỡng để được việc, giải quyết nhanh hồ sơ. Còn CBCCVC thì suy nghĩ dễ dãi là bao thư, quà cáp không đáng bao nhiêu, dân thấy mình làm tốt, quý mến nên tặng quà thì mình nhận chứ mình không vòi vĩnh, không làm sai công vụ. Hai bên đồng tình đưa - nhận quà nên khó ai biết được chứ nếu CBCCVC sách nhiễu thì người dân bức xúc tố cáo, dễ phát hiện hơn. Nguy hại là nó lan tràn tạo thành cái lệ quà cáp khi người dân đến công sở, gây dư luận rất xấu.

Ranh giới quà tặng và hối lộ rất mong manh. Ảnh: HTD

Liệu có chạy thành tích?

. Có những “xôn xao” về khoản quà tặng nộp lại được công bố vừa qua của BV huyện Bình Chánh lên tới hơn 400 triệu đồng, vài chục triệu đồng từ một trường học, hay 300.000 đồng của hai chiến sĩ công an ở một quận. Ông nghĩ thế nào?

+ Không thể nhìn bề ngoài sự việc mà đánh giá. Con số đó cũng không có nghĩa là ở BV huyện Bình Chánh chuyện quà cáp quá phổ biến nên nộp lại nhiều. Tôi nghe khoản tiền quà tặng nộp lại của bệnh viện là từ nhiều nguồn, mà phần lớn là tiền tài trợ của đối tác dự án hỗ trợ, còn tiền bao thư bồi dưỡng nhân viên y tế không nhiều. Bản chất sự việc ở đây là những đơn vị này chủ động công khai, minh bạch những khoản tiền tài trợ và mục đích sử dụng cho lợi ích chung.

Tinh thần chung quán triệt đối với CBCCVC vẫn là tuyệt đối không nhận quà tặng. Còn những tình huống nhận quà không có chủ ý, ngay tình thì phải kê khai nộp lại. Chẳng hạn như bao thư kẹp vào hồ sơ, gửi quà cho gia đình nên CBCCVC không biết để từ chối lúc đó nhưng khi phát hiện thì phải nộp lại. Giá trị quà nộp lại nhiều ít không quan trọng mà đã là CBCCVC thì phải chấp hành nghiêm quy định. Nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, không ai vì món quà nhỏ mà chịu kỷ luật không đáng. Vì vậy nộp lại là hơn.

. Liệu có phát sinh biến tướng chạy thành tích, nộp lại một chút quà tặng để được khen?

+ Việc này là không dễ xảy ra nếu tuân thủ đúng quy trình và kiểm soát chặt. Điều 12 Quyết định 64/2007 quy định về báo cáo nộp lại quà tặng yêu cầu kê khai rõ: Thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; mục đích của việc tặng quà (nếu biết) nhằm có cơ sở để phân tích, đánh giá bản chất việc nộp lại quà tặng.

Quy định còn mù mờ

. Phải chăng quy định nộp lại quà tặng còn bất cập, lằn ranh xác định quà tặng phải nộp lại vẫn còn mờ?

+ Thực chất quà cáp ít nhiều cũng có tính chất hối lộ cần phải ngăn chặn triệt để. Nếu không liên quan đến công vụ, không cần được việc thì người dân có bỗng dưng tặng quà không? Phải giáo dục, vận động CBCCVC nhận thức rằng nhận quà tặng là tham nhũng vặt, đáng xấu hổ; người dân đưa quà là đưa hối lộ. Ranh giới quà tặng và hối lộ rất mong manh, CBCCVC sơ sẩy là sa lầy, tùy giá trị và tính chất vụ việc mà có thể dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “đưa - nhận hối lộ”.

Đúng là lằn ranh xác định quà tặng phải nộp lại còn mờ. Việc xác định giá trị món quà trên hay dưới 500.000 đồng để xem xét phải nộp lại hay không cũng khó. Những cái áo, chai rượu, hộp bánh rất khó định giá. Cũng chưa có quy định cụ thể định lượng quà tặng là suất du lịch, học bổng, giao lưu… loại nào được nhận hay không được nhận.

Quyết định 64/2007 cũng không quy định cụ thể việc khen thưởng đối với người nộp lại quà tặng. Theo tôi, nếu có xử lý kỷ luật người vi phạm thì cũng nên có khen thưởng người chấp hành tốt để động viên, nâng cao nhận thức, ý thức của CBCCVC, không cần nhiều tiền mà chủ yếu là giá trị tinh thần. Chẳng hạn nộp lại quà tặng giá trị nhỏ thì biểu dương trong đơn vị, nộp lại quà tặng giá trị lớn thì trích tỉ lệ % khen thưởng trực tiếp.

. Xin cảm ơn ông.

BÌNH MINH thực hiện

Từ 1-8-2013 đến 31-7-2014, tổng số quà tặng CBCCVC TP.HCM nộp lại lên đến hơn 485 triệu đồng. Trong đó, tập thể y, bác sĩ tại BV huyện Bình Chánh nộp lại quà tặng gần 423 triệu đồng. Tại quận Phú Nhuận có hai chiến sĩ công an quận đã nộp quà tặng trị giá 300.000 đồng; chủ tịch một phường nộp quà tặng trị giá 2,1 triệu đồng; một cán bộ tư pháp phường nộp lại quà tặng trị giá 400.000 đồng; một giáo viên Trường THCS Châu Văn Liêm nộp lại quà tặng của phụ huynh học sinh trị giá gần 59 triệu đồng; một viên chức Trường THCS Độc Lập nộp lại quà tặng 2 triệu đồng.

(Trích báo cáo của UBND TP.HCM về công tác phòng, chống
tham nhũng phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm