Nên để báo chí tiếp cận bản kê khai tài sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập (có hiệu lực từ ngày 1-9). Một điểm mới đáng chú ý của Nghị định 68 là quy định bản kê khai sẽ phải được công khai. Cần khẳng định bước tiến từ kê khai tới công khai đã đáp ứng phần nào mong đợi của người dân trên trận tuyến phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để việc công khai đạt hiệu quả giám sát, phòng ngừa tham nhũng như mong muốn thì quy định cần phải cụ thể hơn nữa.

Quan trọng là báo chí có quyền khai thác hay không

Tinh thần sửa đổi của Nghị định 68 là những bản kê khai tài sản phải được công khai theo hai hình thức: đối với quan chức thì công khai trong cơ quan (nội bộ), với đại biểu nhân dân thì công khai với cử tri. Có thể nói nghị định này là một bước tiến trong việc thực hiện dân chủ và PCTN.

Tuy nhiên, môi trường công khai sẽ không quá quan trọng nếu khái niệm “công khai” đồng nghĩa với việc báo chí có quyền được biết và khai thác. Đã gọi là công khai tức là mọi người dân đều có quyền biết, mà báo chí biết thì dân biết. Thực ra nhân dân chỉ cần biết những ai có tài sản không chính đáng và làm cách nào buộc những người ấy phải trả giá trước pháp luật - chứ không có nhu cầu biết tất cả cán bộ khác có tài sản gì. Thế nhưng nghị định này dường như vẫn dựa trên cơ sở “tự nguyện” kê khai mà chưa có biện pháp chế tài cụ thể đủ mạnh.

Ở các nước phương Tây, không phải quan chức của họ có tinh thần minh bạch cao hơn ở Việt Nam mà vì họ khó giấu giếm hơn do nước họ rất ít giao dịch bằng tiền mặt với số lượng lớn, những thu nhập lớn đều phải qua ngân hàng. Hơn nữa, các chính khách và quan chức đương quyền luôn bị giới chính trị theo dõi sát sao, đồng thời báo chí của họ cũng luôn đưa những thông tin này đến đại chúng. Đó là cơ chế công khai bắt buộc tồn tại trong đời sống xã hội.

Nên để báo chí tiếp cận bản kê khai tài sản ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng để việc công khai tài sản đạt hiệu quả giám sát, phòng ngừa tham nhũng thì quy định cần phải cụ thể hơn nữa. Ảnh minh họa: HTD

Tóm lại, nghị định sửa đổi này mang tính giáo dục và cảnh báo nhưng chưa phải là biện pháp đủ mạnh buộc những người có tài sản không chính đáng phải công khai minh bạch.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam

Cỡ Thủ tướng thì phải công khai cho toàn dân biết

Về quy định mới trong kê khai, minh bạch tài sản, ở góc độ mong muốn của người dân, tôi có một vài ý kiến. Thứ nhất, trong quy định mới chỉ nói phải công khai bản kê khai ở cơ quan, đơn vị của cá nhân kê khai. Trong khi đó, người dân lại mong muốn bản kê khai phải được công khai cho toàn dân biết thì dân mới có thể cùng tham gia giám sát được, nhất là với các cán bộ chủ chốt trong chính quyền như Thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh… Ngoài ra, cán bộ có thể đối phó bằng cách để cho vợ, con đứng tên tài sản. Cho nên theo tôi, cũng cần phải công khai tài sản của vợ, con, nhất là vợ của một số người nắm giữ các vị trí quan trọng.

Thứ hai, ngoài các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ khi phát hiện việc kê khai không trung thực đã được nêu trong nghị định thì cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý khối tài sản kê khai không trung thực ấy. Tôi cho rằng đối tượng tham nhũng sợ nhất là bị tịch thu tài sản.

Mong muốn của bản thân tôi cũng như nhiều người dân là quy định mới phải triệt để, có tính răn đe cao và có hiệu quả trong thực tế. Bởi đây là biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì cần phải có những chế tài đúng mức, trong đó có vấn đề tịch thu tài sản bất minh và công khai hóa tài sản cho người dân biết. Nếu không thì tình hình vẫn như cũ và không có tác dụng gì nhiều.

Ông LÊ HIẾU ĐẰNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Cái gì cũng phải có lộ trình phù hợp

Khi thực hiện Nghị định 37/2007 về kê khai tài sản có hai luồng ý kiến. Một cho rằng tài sản cá nhân là quyền nhân thân do pháp luật dân sự bảo hộ, cho nên mang tài sản ra công khai là vi phạm quyền nhân thân của họ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác: Đúng là quyền tài sản là quyền nhân thân do pháp luật dân sự bảo hộ nhưng vì anh là cán bộ nhà nước nên ngoài quyền nhân thân thì còn nghĩa vụ của công chức cho nên phải chấp nhận chuyện công khai… Từ nhu cầu thực tiễn và lộ trình các giải pháp để PCTN, Chính phủ nhận thấy rằng sau bước kê khai cần phải có bước công khai và Nghị định 68 ra đời.

Dư luận có thể cho rằng mức độ công khai trong Nghị định 68 chưa đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN. Vì thế, cơ quan chức năng phải tiếp tục quan tâm để có những hướng điều chỉnh hợp lý hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có lộ trình phù hợp.

Ông PHAN BÁ, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo về PCTN Trung ương

NHÓM PV ghi

Ai phải kê khai, kê khai những gì?

Theo Nghị định 37/2007, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập rất rộng. Trong đó có thể kể đến:

- Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND;

- Người giữ chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên;

- Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước;

- Bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND cấp xã; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của UBND cấp xã;

- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên…

Theo Nghị định 68/2011, tài sản, thu nhập phải kê khai là nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài tương đương từ 50 triệu đồng trở lên; tổng thu nhập thực tế trong kỳ kê khai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.