Nên công khai kết luận thanh tra về sai phạm của cán bộ, công chức

Từ năm 2006 đến nay, quận Gò Vấp trở mình với cái nhìn thiện cảm hơn của người dân, nhất là. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thẳng thắn với ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp về vấn đề này.

Nên công khai kết luận thanh tra về sai phạm của cán bộ, công chức ảnh 1

Ông Trương Văn Non

Tung kết luận thanh tra lên mạng

Được điều về làm chủ tịch quận lúc nguyên bộ sậu lãnh đạo quận Gò Vấp bị khởi tố hoặc kỷ luật, ông có lo là sẽ không hoàn thành nhiệm vụ?

Phải thừa nhận thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn từ dư luận xã hội. Qua kiểm tra, tôi thấy thời gian trước quận Gò Vấp sai sót nhiều bắt nguồn từ khâu tài chính trong khi quận lại thiếu cán bộ chuyên ngành tài chính, kế toán. Tôi xin tăng cường 20 sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính loại khá, giỏi về thực tập ở quận. Nhưng chỉ vài ba ngày, số sinh viên này đến gặp tôi xin nghỉ. Tôi hỏi vì sao thì họ nói xấu hổ quá khi thực tập ở quận Gò Vấp, nơi xảy ra nhiều điều tiếng không hay trước đó.

Ngay bản thân tôi khi về quê thăm bà con, các cô chú hỏi tôi làm ở đâu, tôi nói làm ở Gò Vấp thì họ hỏi tiếp: “Sao mày chưa bị bắt?”. Rồi bà con nhìn tôi với ánh mắt không thiện cảm. Nhìn ánh mắt của họ, tôi biết họ không biết tôi mới được điều về và họ nghỉ cán bộ ở Gò Vấp đều... hư hết.

Từ những việc cụ thể đó tôi nghĩ rằng để mọi người biết là mình phải nói để dân biết, dân hiểu. Ngay khi tôi được bầu làm chủ tịch quận, tôi đề nghị thường vụ quận ủy cho thành lập website (www.govap.hochiminhcity.gov.vn) để làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Qua đó, quận công khai toàn bộ công việc của quận đồng thời tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân.

Lâu nay, các kết luận thanh tra ít được công khai. Vì sao quận Gò Vấp mạnh dạnh tung kết luận thanh tra lên mạng dù kết luận đó liên quan đến cán bộ phường lẫn cán bộ quận có sai phạm?

Công khai kết luận thanh tra không phải mạnh dạn hay là vấn đề mới mà tôi chỉ làm theo quy định pháp luật thôi. Tại Nghị định 41 hướng dẫn Luật Thanh tra ghi rõ tùy theo nhu cầu, công việc, người quyết định đoàn thanh tra, ký quyết định thanh tra có thể công khai kết luận đó. Nếu kết luận thanh tra đúng đắn thì tại sao mình không công khai cho xã hội để chia sẻ vấn đề đó. Theo tôi, chỉ có kết luận thanh tra không ngay ngắn hoặc còn vấn đề này nọ thì mới không dám công khai.

Tôi cho công khai đầu tiên kết luận thanh tra về hai dự án ở phường 14 vào tháng 3-2006. Đây là vụ việc ảnh hưởng nhiều người dân và dư luận quan tâm vì liên quan đến 12 cán bộ phải xử lý. Trong đó có cả trưởng phòng và phó chủ tịch quận. Việc công khai kết luận giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất, chúng tôi  trả lời với người dân có hay không có sai phạm, sai phạm đó tới đâu và cá nhân nào liên quan. Thứ hai, qua công khai, người dân thấy chưa chính xác thì họ có quyền phản hồi lại chúng tôi.

Chấm dứt kiểu “đóng cửa bảo nhau”

Khi lãnh đạo một UBND phường nhũng nhiễu dân trong quá trình giải quyết thủ tục nhà đất, thay vì xử lý nội bộ, ông ủng hộ xử lý bằng pháp luật. Có ý kiến rằng trong trường hợp này có thể xử lý kỷ luật nội bộ và cho là ông quá khắc khe?

Trong trường hợp này tôi xử lý đúng mực. Việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm và công khai kết luận thanh tra trên mạng là tôi đã gửi một thông điệp đến các bộ, công chức của quận rằng đã chấm dứt kiểu “đóng cửa bảo nhau”.

Cách làm của ông được người dân ủng hộ nhưng không phải tất cả cán bộ trong quận đồng tình. Ông có ngại những người không dám công khai phản đối cách làm này sẽ không bỏ phiếu tín nhiệm ông?

Đã làm là không sợ đụng chạm, chỉ sợ làm không đúng. Tôi nghĩ chỉ cần 70% đồng tình với tôi là được rồi.

Xin cảm ơn ông.

TRUNG DUNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm