Năm 2016 cấp mã số công dân: Dân lợi gì?

Chiều 13-6, tại buổi công bố Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn và Thiếu tướng Trần Văn Vệ (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an) đã giải đáp một số thắc mắc về việc cấp mã số công dân (số định danh cá nhân - SĐD).

Theo đó, trên cơ sở kho dữ liệu chung, từ năm 2016, cơ quan công an sẽ cấp SĐD cho công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1-1-2016, còn cơ quan tư pháp (phối hợp với công an) cấp SĐD cho công dân đăng ký khai sinh sau ngày 1-1-2016.

Có SĐD vẫn không bỏ CMND

. Công dân có SĐD thì chính quyền đã nắm toàn bộ thông tin cá nhân rồi, vậy có thể bỏ CMND, hộ khẩu, khai sinh…?

+ Bộ Công an: Hộ khẩu và một số giấy tờ khác có thể bỏ nhưng CMND thì không thể bỏ. Vì đó là giấy tờ tùy thân, là căn cước dùng để chứng minh nhân thân, mà cũng chưa có nước nào bỏ được loại giấy tùy thân này. Dù có SĐD nhưng tôi vẫn phải xuất trình CMND để chứng tỏ tôi là ông Vệ - người mang SĐD đó. Còn khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu… thì không cần xuất trình vì thông tin có trong hệ thống rồi.

. Nếu không thể bỏ bớt các loại giấy tờ thì người dân được hưởng những tiện ích gì từ SĐD?

+ Bộ Tư pháp: SĐD được cấp khi làm khai sinh sẽ sử dụng trọn đời, SĐD cũng sẽ là số CMND, số thẻ bảo hiểm, số bằng lái xe, mã số thuế… Người dân khi đi làm thủ tục hành chính sẽ không cần nộp bản sao các loại giấy tờ trên mà chính quyền vẫn có đủ thông tin để giải quyết yêu cầu của dân. Người dân cũng không cần mang theo bản chính đối chiếu, không cần sao y giấy tờ tốn kém và thậm chí nếu lỡ làm mất giấy tờ bản chính thì vẫn còn dữ liệu trên hệ thống nên vẫn được giải quyết hồ sơ. Bạn chỉ có duy nhất một mã số sử dụng trong mọi tình huống nên không cần vất vả nhớ hay quên số CMND, số thẻ bảo hiểm, mã số thuế… Nếu làm mất giấy tờ, bạn rất dễ dàng trích lục lại để sử dụng khi cần nộp cho cơ quan nước ngoài, còn trong nước thì hẳn nhiên đã không cần.

Năm 2016 cấp mã số công dân: Dân lợi gì? ảnh 1

Khi có mã số công dân, người dân sẽ không cần nộp bản sao các loại giấy tờ khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: HTD

Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện SĐD giúp đơn giản hóa tối thiểu 1.300 thủ tục hành chính, tiết kiệm cho người dân khoảng 1.600 tỉ đồng/năm. Việc quản lý của Nhà nước cũng rất thuận lợi, tiết giảm nhiều giấy tờ, nhân lực, quản lý thống nhất thông tin cơ bản của công dân trong cả nước và không có sai lệch giữa các ngành, lĩnh vực.

Sẽ có điều tra dân cư quy mô lớn

. Vì sao đến năm 2016 mới cấp SĐD cho công dân, có thể cấp sớm hơn không?

+ Bộ Công an: Không thể sớm hơn được! Sắp tới, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. nếu đề án được phê duyệt trong năm nay thì còn phải triển khai thiết kế kỹ thuật, lắp đặt thiết bị, đường truyền… nên phải đến hai năm sau mới có thể cấp số. Hiện có nơi từ xã lên huyện vẫn chưa có đường truyền làm sao kết nối thông tin được. Rồi còn phải nhập hoàn tất kho dữ liệu nữa. Thực ra, chương trình thu thập thông tin dân cư của Bộ Công an đã triển khai từ mấy năm trước nhưng với quy mô gần 90 triệu dân thì khó hoàn thành CSDL quốc gia trong thời gian ngắn.

+ Bộ Tư pháp: Không thể kịp! SĐD như chìa khóa truy cập vào kho CSDL dân cư để lấy thông tin của từng công dân. Nếu chưa hoàn thành cập nhật dữ liệu thông tin của công dân thì việc cấp SĐD cũng vô nghĩa vì chỉ truy cập vào hộp thông tin rỗng.

Ngoài ra, không thủ tục hành chính nào đứng ngoài luật. Muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải sửa luật để tránh loạn quy định, chồng chéo nhau. Từ đây đến 2016 phải rà soát, sửa đổi ước tính 178 văn bản luật liên quan.

. Vậy từ đây đến năm 2016 có thể có cuộc điều tra dân cư quy mô lớn để cập nhật kho CSDL quốc gia?

+ Bộ Công an đã tiến hành thí điểm thu thập 18 thông tin cơ bản của công dân ở một số nơi, sắp tới có thể có cuộc thu thập thông tin rộng hơn. Nhưng chỉ đối với những trường hợp kho dữ liệu thiếu thông tin, còn những công dân có CMND, có hồ sơ dữ liệu lưu sẵn thì không cần thiết kê khai lại. Tất nhiên, việc thu thập thông tin phải đi đến từng hộ dân, không để người dân phải đi nộp kê khai.

. Cả Bộ Tư pháp và Bộ Công an cùng khai thác kho số cấp SĐD cho người dân vậy có chồng chéo, vướng mắc gì không?

+ Bộ Công an: Trong SĐD (cũng là số CMND 12 số) có thể hiện một số thông tin cụ thể của công dân: năm sinh, giới tính… Thuật toán cấp SĐD xây dựng dựa trên số liệu từng người, khi cán bộ hộ tịch nhập dữ liệu công dân vào thì thuật toán sẽ tự động tính toán, đưa ra mã số. Không có kho số SĐD sẵn để chia ra Bộ Tư pháp dùng bao nhiêu số, Bộ Công an dùng bao nhiêu số, không cấp theo số thứ tự… nên cũng không có sự chồng chéo trong kho số. Dù cấp SĐD cho công dân đến 500 năm nữa cũng đảm bảo không trùng nhau.

. Kinh phí làm hai đề án của Bộ Công an và Bộ Tư pháp khoảng bao nhiêu? Có chồng chéo không? Đã có nhiều chương trình điều tra dân số sao chúng ta không tận dụng dữ liệu đó rồi cập nhật thêm cho đỡ tốn kém?

+ Bộ Công an: Đề án xây dựng CSDL quốc gia về dân cư khoảng 3.500 tỉ đồng. Chúng tôi biết một số địa phương: Hà Nội, Tây Ninh cũng có các dự án thu thập thông tin dân cư nhưng các địa phương lại không thông báo để kết nối với đề án này. Riêng đề án của Hà Nội thì thất bại vì điều tra không đủ các thông tin cần thiết, không thể sử dụng lại nếu không điều tra bổ sung.

+ Bộ Tư pháp: Kinh phí thực hiện Đề án đơn giản thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và CSDL quản lý dân cư 2013-2020 nằm trong kinh phí chung cải cách hành chính. Kinh phí này không nhiều, mỗi năm ước tính khoảng 30-40 tỉ đồng.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm