Mục tiêu đích thực của phát triển

Cụ thể, theo trả lời của người có chức trách tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1-7, thời hạn tăng lương lần này sẽ được thực hiện ngay từ tháng 10 chứ không phải vào tháng 1 năm tới như mọi khi. Đây có lẽ là sự dũng cảm hiếm thấy của cơ quan quản lý lao động nhà nước trước tình hình lạm phát tăng cao, giá trị thực của tiền lương giảm sút mạnh ảnh hưởng đến đời sống hàng chục vạn công nhân. Dũng cảm vì trước nay tiếng nói của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khá yếu ớt trước các quan điểm “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư mà “sức hút” chủ yếu dựa vào tài nguyên và việc định giá nhân công rẻ mạt.

Chúng ta chứng kiến các cuộc ngừng việc tập thể vẫn diễn ra, chính sách nhà nước vẫn còn… đứng về phía chủ sử dụng lao động, bởi họ luôn trả lương cao hơn mức tối thiểu tí ti, nên các đòi hỏi của người lao động, các cách biểu thị thái độ của người lao động trong hoàn cảnh lạm phát gia tăng đều… trở thành bất hợp pháp! Theo thống kê, chỉ trong ba tháng đầu năm nay, có tới 218 vụ đình công ở các tỉnh, thành trong cả nước, bằng 52% so với năm 2010.

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ đẩy lộ trình tăng lương tối thiểu (cho khối DN) sớm hơn ba tháng được xem là giải pháp cần có, vừa giúp giải tỏa những bức xúc kìm nén của những người làm công trong DN, vừa là giải pháp an sinh xã hội thiết thực.

Chúng ta càng có cơ sở tin tưởng hơn khi chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đặt quyết tâm những tháng cuối năm nay “phải kiên quyết thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cho khu vực DN, đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh đối với người lao động trong các DN”.

Thêm nữa, vấn đề cải thiện tiền lương, điều kiện lao động và tăng các phúc lợi cần thiết cho đội ngũ công nhân còn là mục tiêu cao cả của thể chế chính trị, của Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bởi xét cho cùng, đó cũng là mục tiêu đích thực của tăng trưởng.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm