Mở rộng quyền chứng bản dịch cho công chứng viên

Còn Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động chứng thực trên theo Nghị định 79/2007 của Chính phủ.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý (Ủy ban Pháp luật của QH) cho biết việc giao cho CCV quyền “chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký, bản sao” nhằm tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, CCV chỉ được chứng nhận những bản dịch, chứng thực bản sao và chứng thực chữ ký có giới hạn trong phạm vi các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng. Ngoài ra, CCV phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Để kiểm soát chất lượng bản dịch, tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn CCV không thể biết hết các loại ngoại ngữ trong văn bản cần dịch, cũng không thể nắm rõ giấy tờ cần dịch đó có phù hợp với quy định pháp luật của nước đó không. Nếu quy trách nhiệm CCV phải chịu về tính chính xác của nội dung bản dịch và tính hợp pháp của văn bản đã dịch thì quá nặng, không phù hợp. CCV chứng nhận bản dịch thực chất chỉ là chứng nhận chữ ký hợp pháp của người dịch thuật.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề xuất: “Không nên xã hội hóa nhỏ giọt và giữ lại một ít cho cơ quan hành chính nhà nước. Thay vào đó nên mở rộng hơn nữa thẩm quyền cho CCV được công chứng, chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao của tất cả loại văn bản. Để không gây hụt hẫng cho hoạt động của các phòng Tư pháp và UBND cấp xã thì vẫn tiếp tục duy trì thẩm quyền chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản dịch của các đơn vị này như hiện tại”.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm