Minh bạch thông tin để cải cách DNNN

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa hoàn thành điều tra về quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và giám sát các tập đoàn kinh tế. Kết quả cho thấy tính minh bạch, giám sát... ở các DNNN còn nhiều ẩn số. Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng muốn cải cách hoạt động các DNNN, khâu đột phá đầu tiên phải là minh bạch thông tin.

Ông Nguyễn Đình Cung nói: “Yếu tố căn bản trong quản trị DN là giám sát từ nội bộ và giám sát từ bên ngoài... Muốn cho bên ngoài giám sát được, phải công bố thông tin định kỳ và bất thường. Thông tin công bố phải đầy đủ, chính xác, công bằng, ai cũng tiếp cận được”.

Khoảng cách minh bạch còn quá xa

. Chúng ta đã có quy định ràng buộc các DNNN phải công bố thông tin để thực hiện việc giám sát như ông nói chưa, thưa ông?

Minh bạch thông tin để cải cách DNNN ảnh 1
+ Chưa có. Hệ thống quản trị của chúng ta hiện nay còn lỏng lẻo. So với các thông lệ thị trường về quản trị DN thì các DNNN của ta còn một khoảng cách quá xa mới đạt được những thông lệ ấy.

. Vậy muốn cải cách DNNN, chúng ta phải làm gì?

+ Rất đơn giản, chúng ta hiểu được nguyên tắc của thông lệ thị trường rồi, chúng ta cũng mô tả được thực tiễn của DNNN hiện nay rồi, việc còn lại là cứ xích gần lại với các nguyên tắc đó. Chọn nguyên tắc cốt yếu, nguyên tắc nào thực hiện được ngay, nguyên tắc nào cần chuẩn bị cứ thế mà làm theo nguyên lý dễ làm trước, khó làm sau, căn bản làm trước, không căn bản làm sau và đề ra thời hạn hoàn thành. Muốn cải cách thì phải cải cách cả hệ thống. Hiện nay ta đang tiếp cận theo lối riêng lẻ, không giải quyết được vấn đề.

Minh bạch thông tin để cải cách DNNN ảnh 2

Doanh nghiệp nhà nước cần thay đổi tư duy về minh bạch. Ảnh minh họa: CTV

Cần thay đổi tư duy về minh bạch

. Từ câu chuyện Vinashin, có một thực tế chúng ta có quá nhiều cơ quan thực hiện giám sát (theo tổng thanh tra Chính phủ báo cáo trước Quốc hội mới đây đã thực hiện 11 lần giám sát). Phải chăng chúng ta thiếu một cơ quan đầu mối trong việc giám sát?

+ Tôi không tin rằng qua 11 lần giám sát mà không phát hiện gì! Người có nghề kiểm tra là ra ngay. Tuy nhiên, muốn giám sát tốt, ngoài việc công bố thông tin từ bên trong, cần một cơ quan độc lập đánh giá. Từ kết quả đó, các cơ quan chức năng sử dụng thông tin này. Không nhất thiết phải là cơ quan của nhà nước làm việc này. Nhà nước chỉ cần có một cơ quan theo dõi, thu thập thông tin bên trong, tham khảo các báo cáo bên ngoài để ra một báo cáo của mình. Đừng chờ bên ngoài giám sát. Giám sát bên ngoài chỉ là áp lực để thúc đẩy bên trong phải làm.

. Nhưng thực tế có chuyện cơ quan giám sát chờ đợi nhau hoặc chồng lấn nhau và không ông nào công nhận kết quả giám sát của ông nào?

+ Họ có phủ nhận kết quả của nhau thì cũng chẳng sao cả. Vấn đề là thông tin đó anh đưa ra cho tất cả mọi người và mọi người tự đánh giá. Mỗi người có cách đánh giá của riêng mình nhưng thế nào cũng có một điểm chung vì chỉ có một sự thật mà thôi. Một trong những nội dung cốt lõi của quản trị là minh bạch thông tin. Muốn thế đòi hỏi phải thay đổi tư duy. Cung cấp thông tin ra bên ngoài là có lợi cho chủ sở hữu.

Đối với quản trị, những ông quản lý chỉ là người làm thuê, chủ sở hữu phải giám sát những người quản lý để phục vụ lợi ích cho mình. Vấn đề là chia sẻ giám sát và việc công bố thông tin ra bên ngoài là để bên ngoài giám sát cho ông chủ sở hữu. Việc công bố thông tin ra bên ngoài còn để phục vụ lợi ích cho cộng đồng và các nhà đầu tư.

. Có phải chủ sở hữu của các DNNN còn trong tình trạng cha chung không ai khóc nên gần như bỏ lơ chuyện minh bạch?

+ Chủ sở hữu là nhà nước lại càng phải minh bạch thông tin. Phải có hệ thống thông tin bên trong hoàn chỉnh về kế toán, tài chính, quản lý hoạt động kinh doanh, những giao dịch có liên quan... Phải thiết lập được hệ thống thông tin bên trong thì mới công bố ra bên ngoài được.

Tôi tin rằng hiện nay hệ thống thông tin bên trong của các DNNN chưa chắc, chưa đủ để công bố ra bên ngoài. Hơn nữa chúng ta có thói quen tâm lý ngại bị kiểm soát và tâm lý này bao trùm lên từng cá nhân.

Cần tách biệt giữa kinh doanh với trách nhiệm xã hội

. Có ý kiến cho rằng do đặc thù của Việt Nam nên DNNN vẫn phải đảm nhiệm hai vai trò vừa làm nhiệm vụ chính trị-xã hội vừa làm kinh tế, không thể giống các DN thuần túy làm kinh tế được?

+ Đó là họ không muốn cải cách, là ngụy biện cho việc làm khác đi hoặc là không làm. Đã là DN thì đầu tiên phải là lợi nhuận, hiệu quả kinh tế. Chúng ta không quên trách nhiệm xã hội nhưng có nhiều cách để thực hiện. Hãy bảo ông DN làm ra nhiều tiền đi rồi lấy tiền này đi làm xã hội, đừng bắt ổng vừa đi làm xã hội vừa làm kinh tế. Chính sách xã hội thì cần phải làm và chính phủ nào cũng phải làm và người khác làm chứ không phải ông DN. Còn ôm đồm vừa làm kinh tế, vừa làm xã hội đó là tư duy của những năm 1960, 1970.

. Vừa rồi Chính phủ có đề cập đến việc sẽ chỉ định một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các DNNN. Theo ông, cơ quan ấy là cơ quan nào và hoạt động ra sao?

+ Là một cơ quan chuyên trách, không làm quản lý nhà nước và cũng không làm chính sách mà làm chuyên môn như một người đầu tư. Một ủy ban thực hiện quyền làm chủ sở hữu DNNN. Nó là một cơ quan độc lập riêng, tầm ngang bộ, hoạt động theo luật. Đừng đặt nó trực thuộc ai lại khó ra. Như Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) thì nó có trực thuộc ai đâu. Và như thế Quốc hội cũng giám sát, Chính phủ cũng giám sát, người dân cũng giám sát. Nếu làm sai ông này chịu, làm tốt thì ông này hưởng chứ còn bây giờ làm sai thì đổ cho cơ chế!

. Trách nhiệm nặng như thế liệu có ai dám đảm nhiệm?

+ Ta phải mở rộng đối tượng để làm việc này, tất cả người dân Việt Nam, thậm chí nếu không được thì thuê nước ngoài. Tư duy mở thì luôn luôn giải quyết được vấn đề.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm