Mặt trận cần tương đối độc lập để phản biện

Đó là phát biểu của ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương, tại buổi tọa đàm “Tăng cường phối hợp thống nhất hành động trong MTTQ TP.HCM” do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức sáng 12-10.

“Trong khi ta nói nhà nước ta do nhân dân làm chủ nhưng dân thấy mình không làm chủ thì sao? Mặt trận phải làm sao để cho dân thấy được điều đó. Nhất là trong công tác bầu cử sắp tới đây, Mặt trận phải tổ chức làm sao để tạo nên không khí sôi nổi dân chủ, tránh tình trạng dân thờ ơ khi thực hiện quyền làm chủ của mình” - ông Trần Trọng Tân nhấn mạnh.

Mặt trận cần tương đối độc lập để phản biện ảnh 1

GS Mạc Đường đang góp ý tại buổi tọa đàm “Bản thân mặt trận cũng chưa vươn lên tầm phản biện”.

Theo ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, cốt lõi trong công tác Mặt trận là phải đáp ứng nguyện vọng của người dân nhưng quan trọng hơn nữa là phải chỉ ra cho người dân thấy con đường đúng nhất để họ thực hiện và bảo vệ lợi ích của chính mình. Vì vậy khi phản biện một chính sách gì không phù hợp với đời sống của người dân, Mặt trận phải tập trung đi lấy ý kiến dân trước và đặt ý kiến đó lên bàn của các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết cho ra vấn đề.

GS Mạc Đường, đại diện Hội Cựu thanh niên xung phong TP, phân tích: Chức năng của Mặt trận trong thời kỳ này đã khác. Trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và với vai trò là một tổ chức đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, Mặt trận phải là người đề xuất, kiểm tra, giám sát chứ không phải chỉ chấp hành thực hiện. Chức năng truyền thống này đã lạc hậu so với đường lối đổi mới mà nước ta đang đi lên. “Mặt trận phải tập trung phản biện để xây dựng một cơ chế dân chủ cụ thể” - GS Đường đề xuất.

“Muốn phản biện thì Mặt trận cần phải có vị thế tương đối độc lập. Ở vị trí đó Mặt trận mới phát hiện mâu thuẫn và tiến hành phản biện để hoàn thiện chính sách” - ông Trần Trọng Tân góp ý.

M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm