Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: 12 tỉnh, thành bắt tay chống ô nhiễm

Sáng qua (12-12), tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng ra quyết định thành lập một ủy ban chuyên về chống ô nhiễm cho dòng sông này.

Phải có “quân” và quyền lực thực sự

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm 12 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Dăk Lăk, Dăk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và TP.HCM. Trong đó Lâm Đồng nằm thượng nguồn và hạ nguồn là BR-VT (sông Thị Vải).

Trước đó, ngày 1-12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 157 thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai). Nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban này là điều phối, giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông Đồng Nai...

Theo ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, phải lập thêm cơ quan liên ngành thuộc ủy ban này và phải chuyên nghiệp để giải quyết bài toán ô nhiễm liên vùng. “Không thể để mỗi tỉnh tự làm theo ý mình, dẫn đến chuyện nói thì cứ nói, thải thì cứ thải mà việc thì chẳng ai làm” - ông Thới nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho rằng việc tất cả ủy viên, phó chủ tịch, chủ tịch ủy ban này đều kiêm nhiệm là không ổn. “Nên có cán bộ chuyên trách và phải có quyền lực thực sự. Ủy ban này phải đề ra được kế hoạch dài hơi, trong đó phải cam kết với Chính phủ, nhân dân 12 tỉnh, thành là sẽ làm cho sông Đồng Nai trong xanh trở lại vào năm 2025 chẳng hạn” - ông Lạng gợi ý.

“Hiện những chức danh tại ủy ban này vẫn kiêm nhiệm là chính nên công việc sẽ không hiệu quả. Tôi đề nghị bổ sung thêm các nhà khoa học vào ủy ban này để làm chuyên trách” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đồng tình.

“Nó đóng thuế đỡ lắm, tha cho nó đi”

Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), so sánh: “Người dân đổ rác sinh hoạt hàng tháng cũng phải trả phí, cớ gì doanh nghiệp “giết” nguyên cả một con sông mà nhà nước lại phải bỏ tiền ra để khắc phục ô nhiễm? Như vậy là không công bằng. Cần quy định rõ doanh nghiệp nào gây ô nhiễm thì phải trả phí môi trường”.

Cùng quan điểm, đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), nhận định: Ai cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm thì người đó cũng phải liên đới trách nhiệm. “Bởi vì tại sao anh cấp phép mà không hậu kiểm? Chứ như hiện nay, có chuyện khi cảnh sát môi trường đi kiểm tra doanh nghiệp thì lãnh đạo kêu lại nói nhỏ “Năm nay nó đóng thuế cũng đỡ lắm, thôi tha cho nó đi!”. Vậy thì làm sao chống ô nhiễm được?” - ông Vinh bức xúc.

Ở một khía cạnh khác, tiến sĩ Trần Thị Thanh Phương, chuyên gia môi trường cao cấp thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: Nếu Việt Nam không nhanh chóng vay ưu đãi để chống ô nhiễm cho sông Đồng Nai thì sắp tới, WB có thể sẽ không cho vay ưu đãi nữa. “Tôi thấy Chính phủ vẫn chưa sẵn sàng dùng vốn đối ứng để vay ưu đãi chống ô nhiễm” - bà Phương nói.

Sông Thị Vải sẽ được “cứu”

Chiều qua, hội nghị tiếp tục góp ý cho dự án khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải (nhánh cuối của lưu vực sông Đồng Nai). Con sông này dài 76 km (đoạn chính 36 km) giáp ba tỉnh, thành là BR-VT, Đồng Nai và TP.HCM.

“Tôi xin hứa từ năm 2009, tỉnh BR-VT kiên quyết không để nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông Thị Vải. Việc còn lại là của Đồng Nai và TP.HCM” - ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cam kết. Nghe vậy, ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng hứa TP sẽ có trách nhiệm hết mình trong việc “cứu” con sông này.

Tán đồng, ông Ao Văn Thinh - Phó Chủ tịch Đồng Nai cho rằng nếu xem Thị Vải là một bộ phận của sông Đồng Nai thì cần phải thành lập một tiểu ban riêng cho nó. “Tôi đề nghị phải quy định bắt buộc các doanh nghiệp thải ra sông này phải đạt loại A, không thể tỉnh này quy định loại A, tỉnh kia đề ra loại B được” - ông Thinh kiến nghị.

Để “cứu” con sông này, GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), đưa ra giải pháp nạo vét bùn, khôi phục rừng ngập mặn, nhất là bần chua và cây đước. GS-TS Nguyễn Tất Đắc bổ sung thêm giải pháp giám sát tại nguồn, nghĩa là đặt trạm quan trắc thì mới giải quyết triệt để ô nhiễm. “Đề nghị Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nghiên cứu cho lập trạm quan trắc ngay” - Thứ trưởng Trần Hồng Hà lập tức phản hồi.

“Việc chống ô nhiễm sông Thị Vải phải được ưu tiên trong kế hoạch năm 2009. Đồng thời, tất cả dự án chống ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai phải bằng ngân sách trung ương, tập trung về một mối cho ủy ban này để tránh mỗi nơi làm một kiểu. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất viêc này” - ông Hà nhấn mạnh.

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm