CHÀO MỪNG 60 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM (7.5.1955 – 7.5.2015)

Lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo

“Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng, chúng tôi cũng hết sức tự hào vì sự trưởng thành của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng lực lượng hải quân sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao” - Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, nói với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ngày càng trưởng thành

. Phóng viên: Thưa Trung tướng, trong những ngày quân chủng hải quân đang kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng, so với những ngày đầu thành lập, ông có cảm nhận như thế nào?

+ Trung tướng Mai Xuân Vĩnh (ảnh): Lực lượng hải quân có quyền tự hào về sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của mình đã đóng góp vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và thống nhất nước nhà.

Lực lượng hải quân lớn mạnh như hôm nay nhưng chúng ta không quên những ngày đầu hình thành lực lượng rất gian khổ, công nhân quân giới phải mò lặn ở đáy sông, biển những thiết bị, máy móc do tàu Pháp bị đánh chìm để đóng từng chiếc canô gỗ. Với tinh thần tự lực, tự cường đó họ đã đặt nền móng đầu tiên xây dựng lực lượng hải quân Việt Nam hôm nay. Chúng ta cần tri ân công lao to lớn của những người đặt những viên gạch đầu tiên ấy.

Ngày nay lực lượng hải quân đã có bước tiến rất lớn dù so với các nước lớn chúng ta vẫn đi sau hàng trăm năm. Hiện chúng ta có năm thành phần lực lượng gồm không quân hải quân; tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh - tên lửa bờ; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo. Lực lượng hải quân ngày càng trưởng thành và trở thành một lực lượng tin cậy của Nhà nước, với nhiệm vụ làm lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trung tướng Mai Xuân Vĩnh đang thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ hải quân. Ảnh: Tư liệu

Với tàu ngầm Kilo hiện đại, Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ làm chủ được lòng biển. Ảnh: P.ĐIỀN

Muốn phát triển phải bảo vệ được biển

. Hiện các nước láng giềng đang xây dựng, bồi đắp các đảo, Trung tướng đánh giá các hoạt động này có gây cản trở đến các hoạt động đi lại trên biển Đông và đe dọa đến an ninh của ta?

+ Tình hình hiện nay trên biển Đông còn diễn biến hết sức gay gắt, phức tạp buộc chúng ta cần phải đấu tranh liên tục, lâu dài. đặc biệt chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng đối. Trong đấu tranh giữ gìn chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, chúng ta kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình không dùng vũ lực, đe dọa bằng vũ lực và dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, lực lượng hải quân lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong mọi tình huống.

. Biển chính là hướng phát triển tương lai của quốc gia, vì thế hơn bao giờ hết nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo là đặc biệt quan trọng, thưa Trung tướng?

+ Ta phải nói thẳng biển ngày càng có nhiều giá trị nên các quốc gia phát triển kinh tế đều hướng ra biển. Bởi vậy muốn khai thác lợi thế của biển thì mình phải bảo vệ được biển. Trong đó cần xác định hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời ta cần phải ra sức xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh để thực hiện nhiệm vụ này. Cũng phải thấy rằng việc xây dựng lực lượng hải quân cần phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng chúng ta muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thì chúng ta phải tiếp tục đầu tư nâng cao sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Từ hai thủy đội tàu gỗ đến sự kiện đánh thắng tàu khu trục hiện đại của Mỹ

Hiệp định Genève ký kết, miền Bắc được giải phóng đã đặt ra vấn đề bảo vệ chủ quyền, làm chủ vùng biển và bờ biển có chiều dài 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 (Cửa Tùng, Quảng Trị). Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh khẩn thị phải xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển làm nòng cốt bước đầu bảo vệ và quản lý vùng biển.

Theo đó đầu tháng 8-1954, tại căn cứ Việt Bắc, sáu đồng chí trước đây ở Ban Nghiên cứu thủy quân và Đội thủy binh 71 đang công tác ở các đơn vị được điều về Cục Tác chiến thành lập một bộ phận chuyên nghiên cứu, tham mưu cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển. Đồng chí Nguyễn Bá Phát, nguyên Tham mưu trưởng Liên khu 5, được giao phụ trách bộ phận nghiên cứu.

Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của hải quân quân đội nhân dân hiện nay. Việc ra đời Cục Phòng thủ bờ biển và hai đơn vị trực thuộc là Trường Huấn luyện bờ biển và Xưởng 46 đã mở đầu thời kỳ xây dựng và phát triển các thành phần nòng cốt đầu tiên của lực lượng hải quân.

Những ngày đầu Xưởng 46 chỉ có vỏn vẹn 10 người, chủ yếu là công nhân quân giới của Liên khu 5 cùng một số ít máy móc đã bắt tay vào sửa chữa tàu hoa tiêu và một canô trang bị thêm súng trọng liên 12,7 mm. Đây là những tàu chiến đấu đầu tiên của Cục Phòng thủ bờ biển.

Cùng đó anh em công nhân phải đi sưu tầm, mò lặn tháo gỡ máy móc, dụng cụ các tàu Pháp bị ta đánh chìm ở ven sông, biển để bổ sung thêm vật tư, máy móc cho việc đóng mới tàu thuyền, canô đưa vào chiến đấu. Đến tháng 8-1955, Cục Phòng thủ bờ biển đã cho ra đời 20 canô bằng gỗ có trang bị trọng liên 12,7 mm. Thời gian này Trường Huấn luyện bờ biển đã đào tạo được 174 cán bộ và thủy thủ. Qua đó đã thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng.

Đầu năm 1959, Bộ Quốc phòng ra nghị quyết thành lập Cục Hải quân thay cho Cục Phòng thủ bờ biển. Trong các năm 1959 đến 1960, các đoàn tàu 130, 135 ra đời với 24 tàu chiến tuần tiễu, tàu săn ngầm, tàu phóng ngư lôi…Cùng đó Cục Hải quân đã xây dựng đồng bộ các lực lượng pháo binh bờ biển, trạm ra-đa quan sát.

Sau 10 năm xây dựng, lực lượng non trẻ của hải quân đã bước vào chiến đấu. Trong trận đấu thử lửa ngày 5-8-1964 cùng với lực lượng phòng không và nhân dân, bộ đội hải quân đã đập tan cuộc tập kích lớn bằng không quân của Mỹ đánh phá miền Bắc. Kết quả đã bắn rơi tám máy bay, bắt sống giặc lái, đuổi tàu khu trục hiện đại của Mỹ là USS Maddox. Ngày này trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam…

Làm chủ lòng biển

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nga đã cho ra đời lớp tàu “tia chớp” Molniya đã thể hiện sự làm chủ trong việc sản xuất tàu hiện đại, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng hải quân. Đây là binh lực dành cho những nước phòng thủ. Lớp tàu tấn công nhanh này rất cơ động, hoạt động trong vùng biển nông, sâu đều được, tầm hoạt động xa, uy lực lớn làm tăng sức mạnh của hải quân. Với lớp tàu này hải quân của ta hoàn toàn làm chủ trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Riêng chiến trường trên biển có hai khoảng không, khoảng không trên không và khoảng không dưới lòng biển, tức làm chủ độ cao và độ sâu. Với độ sâu hiện lực lượng hải quân của ta đã có tàu ngầm Kilo, đây là lực lượng đánh đa dạng, kiểu đánh du kích hiện đại dưới lòng biển gây bất ngờ, uy hiếp cho các tàu chiến mặt nước, tàu vận tải, tiếp tế của đối phương.

Chuẩn Đô đốc LÊ KẾ LÂM,
nguyên Giám đốc Học viện Hải quân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm