Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước: Công chức sai, nhà nước phải bồi thường

Ngày 18-6-2009, Quốc hội thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (có hiệu lực ngày 1-1-2010). Trước đó đã có một hệ thống pháp luật điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của các cơ quan nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra như Hiến pháp 1992, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Khiếu nại, tố cáo... Cụ thể hơn cả là Nghị định 47 ngày 3-5-1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và Nghị quyết 388 ngày 17-3-2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước), việc giải quyết bồi thường theo các văn bản trên “còn rất nhiều hạn chế, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào tính công bằng của pháp luật”.

Vì vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được kỳ vọng trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu giúp người dân thực hiện được một quyền vốn đã được hiến pháp quy định từ lâu nhưng ít được thực thi.

Bị thiệt hại, hỏi nhà nước

Điều đầu tiên của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định: Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án thì được nhà nước bồi thường. Như vậy, luật khẳng định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra là trách nhiệm bồi thường của nhà nước nói chung chứ không phải là của từng cơ quan trực tiếp quản lý công chức đã gây thiệt hại như tinh thần các quy định trước đó.

Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại khi thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, nhất là trong trường hợp thiệt hại do công chức thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây ra.

Một điểm mới khác so với trước đây là luật quy định hành vi không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người thi hành công vụ mà gây thiệt hại thì nhà nước cũng phải bồi thường.

Tuy nhiên, luật quy định điều kiện phát sinh quyền được bồi thường là phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường. “Nếu quy định quyền yêu cầu bồi thường phát sinh ngay từ thời điểm người bị thiệt hại cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm thì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự hoạt động ổn định của các cơ quan nhà nước” - một thành viên ban soạn thảo lý giải.

Dỡ nhà sai phải bồi thường

Luật này liệt kê cụ thể các trường hợp phải bồi thường trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.

Trong đó, ở lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, trong 11 nhóm hành vi mà nếu gây thiệt hại, nhà nước có trách nhiệm bồi thường có hành vi “áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc”. Ngoài ra, hành vi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư... mà gây thiệt hại cũng đều phải bồi thường.

Đây là những hành vi được nhà làm luật đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do thân thể, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu...

Đối với hoạt động tố tụng hình sự, nguyên tắc là nhà nước chỉ bồi thường khi người bị thiệt hại bị oan, tức là không thực hiện hành vi phạm tội mà bị điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, luật không đặt vấn đề lỗi của người thi hành công vụ. Nghĩa là nhà nước có trách nhiệm bồi thường nếu người bị thiệt hại bị oan, bất luận công chức có lỗi hay không có lỗi trong việc gây ra tình trạng oan này.

360 tháng lương cho tổn thất tinh thần

Luật cũng quy định cụ thể từng loại thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết...

Đối với quy định về thiệt hại do tổn thất về tinh thần, luật quy định người bị thiệt hại sẽ được bồi thường hai ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; được bồi thường ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, bị tù. Những người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù treo được bồi thường một ngày lương tối thiểu cho một ngày lâm vòng lao lý.

Đặc biệt, mức bồi thường về tổn thất tinh thần cho thân nhân người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại chết được quy định trong luật này cao gấp sáu lần so với quy định trong Bộ luật Dân sự. Cụ thể, mức này có thể tối đa là 360 tháng lương tối thiểu. Tính theo mức lương tối thiểu hiện nay (650.000 đồng), số tiền này là 234 triệu đồng.

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Cũng từ thời điểm này, Nghị quyết 388 và Nghị định 47 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết theo Nghị quyết 388 hoặc Nghị định 47 trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng các văn bản đó để giải quyết.

Các trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết 388 và Nghị định 47 đến thời điểm luật này có hiệu lực mà còn thời hiệu theo quy định của các văn bản này nhưng chưa yêu cầu nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của luật này để giải quyết.

(Trích Điều 65, 66 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước)

Số vụ ít, số tiền bồi thường không nhiều

Báo cáo của Bộ Tư pháp tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra đánh giá:

- Số lượng các vụ việc mà nhà nước phải bồi thường không nhiều (khoảng 300 vụ);

- Số tiền bồi thường không lớn (khoảng 30 tỷ đồng);

- Tỷ lệ số vụ yêu cầu bồi thường có cơ sở so với tổng số vụ yêu cầu bồi thường là thấp. Ví dụ, về hình sự, số vụ khiếu nại là 5.401 vụ nhưng có căn cứ pháp luật chỉ là 138 vụ (khoảng 2,48%);

- Số tiền bồi thường được chấp nhận thấp hơn rất nhiều so với mức yêu cầu. Ví dụ, ông Hoàng Minh Tiến đòi bồi thường hơn bốn tỷ đồng nhưng chỉ được bồi thường khoảng 40 triệu đồng = 1%.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm