Luật pháp quốc tế là cơ sở xây dựng lòng tin ở biển Đông

“Chúng ta đều mong muốn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 là cơ sở để các bên xây dựng lòng tin, làm rõ yêu sách, phân định, thu hẹp các yêu sách vùng biển chồng lấn và thúc đẩy các biện pháp hợp tác ở biển Đông” - ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nhấn mạnh như trên trong bài phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ năm về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” vào chiều 12-11.

Qua hai ngày làm việc với 40 tham luận và gần 100 ý kiến, vấn đề áp dụng luật pháp quốc tế cũng như diễn biến tình hình biển Đông và vai trò của ASEAN cùng các nước lớn trong giải quyết các tranh chấp đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Thảo luận về vai trò của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 trong tranh chấp biển Đông, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và công ước nói riêng. Nhiều học giả là luật sư uy tín quốc tế đều cho rằng yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, các bên khác trong tranh chấp biển Đông cũng cần làm rõ yêu sách chủ quyền và vùng biển của mình. Yêu sách rõ ràng và phù hợp với luật pháp quốc tế là cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung tại biển Đông. Bên cạnh đó, trong khi tranh chấp chưa được giải quyết hoàn toàn, các bên cần thúc đẩy việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông để quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột tại biển Đông.

“Chúng ta đều nhất trí rằng hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của tất cả các bên liên quan và của cộng đồng quốc tế nói chung. Một biển Đông bất ổn không những sẽ gây khó khăn cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, làm ảnh hưởng tới quan hệ ASEAN-Trung Quốc mà còn làm phức tạp thêm quan hệ giữa các nước lớn, là điều mà không nước nào mong muốn, dù là nước nhỏ hay nước lớn. Chính vì vậy, tất cả các bên liên quan có lợi ích chung trong việc kiểm soát và làm giảm nhiệt tranh chấp ở biển Đông” - ông Tâm nói.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm