Luật hóa vai trò giám sát, phản biện của mặt trận

Nếu đã xác định MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân thì phải tạo cơ sở rõ ràng, vững chắc hơn để MTTQ hoạt động, nhất là đối với vai trò giám sát và phản biện xã hội. Đó là nội dung được nhiều ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 sáng 26-2.

Cụ thể, GS-BS Trần Đông A đề nghị “HP cần phải ghi rõ việc luật hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ”. Theo GS Trần Đông A, đây là vấn đề đã được đề cập từ rất lâu, bản thân MTTQ cũng đã nhiều lần kiến nghị với trung ương để xây dựng Luật Giám sát và phản biện xã hội nhưng đến giờ điều này vẫn còn dang dở. “Phải có Luật Giám sát và phản biện xã hội thì mới tạo điều kiện thực sự để MTTQ thực hiện chức năng giám sát và phản biện hoạt động cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức như dự thảo HP đã đề ra” - GS Trần Đông A nói.

Đồng ý với quan điểm này, TS Hồ Hữu Nhựt cho hay thực tế hiện nay, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nhựt kể: “Bản thân tôi đã từng tham gia giám sát, phản biện một vụ thu hồi đất của dân để xây trụ sở điều hành công trình. Không hiểu sao chỉ xây dựng một trụ sở (chừng 500 m2) mà chủ đầu tư đã đề nghị thu hồi của dân đến 20.000 m2 đất, người dân khiếu kiện ra tới trung ương. Sự vô lý rành rành như thế nhưng khi chúng tôi nói những người có trách nhiệm không nghe thì cũng chẳng biết làm thế nào”.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần kéo dài thêm thời gian để nhân dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi HP 1992 (theo kế hoạch là đến hết ngày 31-3-2013). Nếu không kéo dài được thì phải tạo những kênh góp ý khác để huy động nhiều hơn trí tuệ của xã hội đối với văn kiện chính trị pháp lý quan trọng này.

Chiều cùng ngày, báo cáo với Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân TP.HCM về Dự thảo sửa đổi HP 1992, UBND quận 1 cho biết đến nay quận đã tổ chức 16 buổi góp ý với hơn 900 người tham dự và hàng trăm ý kiến. Nội dung được người dân quan tâm góp ý nhiều nhất liên quan đến Chương 2 về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” (208 ý kiến) và Chương 1 “Chế độ chính trị” (47 ý kiến). Quận 1 cũng đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi HP 1992.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Chỉ đạo - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao những kết quả đạt được của quận 1. Về các ý kiến đề nghị kéo dài thời gian góp ý cho Dự thảo sửa đổi HP, bà Tâm cho hay đây là yêu cầu có thật và Ban Chỉ đạo TP sẽ trao đổi, xin ý kiến cụ thể với Ban Chỉ đạo Trung ương về vấn đề này trong buổi làm việc tới đây.

Kiểm sát viên phải được độc lập

Ngày 26-2, VKSND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi HP 1992 nói chung và chế định VKSND nói riêng. Thống nhất cao với quy định trong dự thảo nhưng các đại biểu cũng kiến nghị HP bổ sung các quy định xác định VKS là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đồng thời mở rộng hơn chức năng của VKS. “Với tình hình xã hội phức tạp hiện nay thì nên chăng khôi phục lại chức năng kiểm sát chung của ngành” - KSV Dương Thị Ngọc Thủy, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử và thực hành công tố án an ninh-trật tự, góp ý. Đồng tình với quan điểm trên, ông Thái Minh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, bổ sung: Thay vì mở rộng hoạt động như kiểm sát chung thì chỉ cần khôi phục kiểm sát tuân theo pháp luật, phòng, chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Một số KSV đề nghị cần sửa đổi khoản 2 Điều 114 theo hướng “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, KSV chỉ tuân theo pháp luật, làm việc một cách độc lập và chịu trách nhiệm trước viện trưởng; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp” chứ không phải “chịu sự chỉ đạo của viện trưởng” như dự thảo nêu.

Đáng lưu ý, hội nghị thống nhất cao trong việc kiến nghị HP sửa đổi nên giữ lại quy định về thành lập Ủy ban Kiểm sát (Dự thảo sửa đổi HP đã bỏ việc thành lập ủy ban này).

PHAN THƯƠNG

M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.