Loại bỏ công chức yếu kém: Thủ trưởng cơ quan “chịu chết”!

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, từng phát biểu trên báo chí: “Bộ máy nhà nước hiện nay “chết cứng”, vào khó, ra khó. Ở nhiều cơ quan, công chức “lèng èng” phải chiếm tới khoảng 1/3. Cần có cơ chế để liên tục chọn được người có năng lực và đào thải những người không đáp ứng được yêu cầu”. Vậy làm sao để có thể giải quyết được tình trạng công chức yếu kém vẫn tồn tại trong bộ máy hiện nay?

Thi tuyển để loại ngay từ đầu

Ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, thẳng thắn: Việc cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng vẫn tồn tại trong bộ máy thì chỉ có thể do lỗi của những người có thẩm quyền liên quan. Trường hợp ở thời điểm tuyển dụng công chức đáp ứng nhưng do đòi hỏi sau này cao hơn hoặc do sắp xếp, tổ chức lại mà công chức chưa hoặc không đáp ứng thì đó là đòi hỏi khách quan của tình hình mới. “Do đó, vấn đề đặt ra là đầu vào phải chất lượng” - ông Non nói.

Theo nhiều chuyên gia hành chính, để không phải vất vả với việc loại cán bộ, công chức yếu kém thì rất cần tổ chức thi tuyển cạnh tranh, công khai để tuyển chọn những người đủ trình độ, năng lực. Ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cũng đồng ý đã đến lúc đặt vấn đề thi tuyển cạnh tranh, công khai nhưng cần nhớ, thi tuyển chỉ xác định được năng lực, trình độ chứ cái tâm của con người không thể thi được.

Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP, thừa nhận việc thi tuyển cạnh tranh các chức danh hiện nay còn hạn chế, có thi tuyển nhưng chưa phải tuyển cạnh tranh, công khai. Cách làm phổ biến hiện nay vẫn là tuyển theo cách anh em đã làm việc tại các cơ quan nhà nước một thời gian có hợp đồng, sau đó tổ chức thi để vào biên chế.

Sở Nội vụ đã từng có đề án phân cấp cho các đơn vị tự tổ chức thi tuyển theo nhu cầu. Tuy nhiên, đề án này cũng gặp một số vướng mắc. Nếu tuyển ít, các đơn vị cũng phải đăng báo, rồi tổ chức thi tốn kém nhiều kinh phí. Nếu tập trung hai, ba năm tổ chức thi tuyển một lần thì có những khoảng thời gian thiếu người, không có người làm. Nếu để TP tổ chức thi tuyển tập trung thì người tuyển không phải là người sử dụng nên cũng khó bố trí công việc...

Giao thực quyền cho người sử dụng

Ông Sanh nhận xét: Điều đáng lo hiện nay là cán bộ, công chức giỏi thì tự ý xin nghỉ việc, còn những thành phần “không ra gì” thì bám trụ ở lại. “Làm sao để giữ người giỏi và giảm bớt người dở là vấn đề rất khó nhưng cần phải đặt ra ngay cho cả hệ thống chứ không phải riêng một đơn vị hay cơ quan nào” - ông Sanh nói. Theo ông Sanh, chính sách cán bộ hiện nay giống như chuyện cưới vợ, gả chồng ngày xưa, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. “Phải đổi mới việc này và mạnh dạn giao quyền cho người đứng đầu” - vị này nhấn mạnh.

Theo ông Sanh, mấu chốt vẫn là vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Người này phải giỏi, có tâm để biết chọn, sử dụng và giữ người có năng lực. Cạnh đó, cơ chế phải dành quyền lực cho người đứng đầu được tuyển chọn, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức tại đơn vị mình. Họ vừa có quyền nhưng đồng thời phải có trách nhiệm để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ. Cụ thể, giám đốc sở phải được quyền chọn phó giám đốc, trưởng, phó phòng làm việc cho sở mình chứ không thể do Sở Nội vụ hay Ban Tổ chức Thành ủy tuyển chọn như hiện nay.

Cũng theo ông Sanh, cần thay đổi cách đánh giá cán bộ, công chức mỗi năm bằng cách bỏ phiếu kín để tránh tình trạng nể nang nhau. Bởi thực tế cho thấy cứ biểu quyết là giơ tay tuốt, ai cũng tốt cả. Ngoài ra, một vấn đề cần quan tâm là giải quyết đầu ra cho những cán bộ yếu kém năng lực phải hợp tình hợp lý. “Làm được vậy thì chắc hẳn họ cũng không gây khó dễ khi bị tinh giản biên chế” - ông Sanh nói.

Lấy sự hài lòng của dân để đánh giá

Loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là thông điệp mạnh mẽ của đề án thực hiện Nghị quyết TW 3 (khóa X) của Đảng bộ TP.HCM. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là một việc vô cùng phức tạp không phải nói là làm được ngay. Chắc mọi người chưa quên câu nói của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trước diễn đàn Quốc hội, nhắc lại câu nói rất thật nhưng cũng rất chua chát của một vị chủ tịch tỉnh: “Mình vừa có ý định thay nó (giám đốc sở) thì nó đã vận động thay mình”. Trong thực tế cũng có như vậy.

Với một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trách nhiệm không rõ ràng, chồng chéo, lẫn lộn trách nhiệm cá nhân-tập thể, cách sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, vẫn còn tình trạng nể nang thủ thế, vẫn râm ran đâu đó việc “chạy chức”... thì cũng khó loại ai.

Có một khảo sát điều tra, trong bộ máy chỉ có 40% người đủ chuẩn, 40% còn thiếu một vài tiêu chuẩn, còn lại 20% thiếu chuẩn trầm trọng, không thể giao việc. Chuẩn ở đây chỉ mới xét trên bằng cấp đào tạo, chưa nói đến năng lực thực tế. Nếu cộng thêm phẩm chất gọi chung là chữ tâm thì con số sẽ còn khác xa...

Nói dài dòng như trên để thấy phần nào tính phức tạp trong việc loại một công chức thoái hóa ra khỏi bộ máy, chưa nói đến việc loại công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhưng khó vẫn phải bắt tay vào làm cương quyết.

Cần làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đối với việc tuyển dụng, phân công, kỷ luật, đề bạt, buộc thôi việc đối với công chức sau khi tham khảo dân chủ ý kiến đồng thuận của tập thể người lao động. Bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với công chức. Tăng cường thanh tra công vụ. Thay thế chế độ biên chế bằng chế độ ký hợp đồng linh hoạt đối với công chức hành chính. Tính toán chế độ lương bổng hợp lý để công chức thi hành công vụ một cách thanh cao...

Đã có chủ trương đúng thì cần cương quyết chỉ đạo thực hiện, lấy sự hài lòng của dân làm tiêu chí đánh giá.

DIỆP VĂN SƠN

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm