Lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long: Chú Sáu ơi!

Với cảm tình sâu nặng, người dân đất ĐBSCL vẫn thân tình cách gọi ông: Chú Sáu Dân. Bên ngoài mưa rơi, bên trong nơi lễ viếng nhiều giọt nước mắt đã tuôn rơi. Chú đi rồi sao, chú Sáu ơi!

Trước di ảnh cùng điệu nhạc buồn ai oán, chị Nguyễn Kim Thủy đã khóc nức nở như tiễn đưa chính người thân trong gia đình. Chị dự định lên tận TP.HCM để một lần viếng chú Sáu. Nhưng sau nhiều lần liên lạc biết ngay tại Vĩnh Long cũng tổ chức lễ viếng, thế là chị cùng ba mình đã ngoài 70 tuổi sáng sớm quày quả đón xe từ xã Tân An Luông (Vũng Liêm) lên Vĩnh Long. Chị nhờ một cán bộ đăng ký giùm để một lần chính tự tay mình thắp nén nhang cho chú Sáu. Chị tâm sự: “Thật tình, từ lâu tôi vô cùng ngưỡng mộ chú Võ Văn Kiệt, một người lo cho dân, cho nước, lo khuyến học, khuyến tài. Cứ mỗi lần lên Sài Gòn thăm con học đại học là tôi vào hiệu sách tìm mua cho được sách viết về chú Sáu. Tôi mừng húm vì vừa mua được hai quyển sách viết về chú nhưng niềm vui chưa trọn...”. Nước mắt chị lại lăn dài trên má chị. Còn ông Tư Thạch, chủ doanh nghiệp làm gốm gạch ở Mỹ Phước (Mang Thít, Vĩnh Long) xúc động đến không nói nên lời khi nhắc những kỷ niệm một số lần chú Sáu đến nơi sản xuất gốm gạch của ông để tìm hiểu, thăm hỏi những thuận lợi, khó khăn để động viên sản xuất tốt hơn. Ông nói: “Sáng nay tôi vừa cùng vợ và các con đến UBND tỉnh thắp nhang cho chú Sáu. Lúc còn đương chức, một vị nguyên thủ quốc gia mà nói chuyện sao nghe giản dị, gần gũi, lo cho dân. Chú nói chuyện như cha dạy con, không có gì cầu kỳ hết. Chú lúc nào cũng lo cho dân, cho nước. Sau khi thăm hỏi những khó khăn để có hướng chỉ đạo tháo gỡ, chú Sáu còn nhấn mạnh “Mình phải tự lo cho mình là chính nhé!”. Năm 1994, lúc sản xuất gạch khó khăn, nhờ đề xuất giảm thuế mà dân làm gạch mới vượt qua khó khăn thời đó. Rồi tỉnh lộ 902 chạy dọc làng gốm gạch xuống cấp trầm trọng, được Chính phủ cho ứng vốn trước xây dựng mà giờ đây làng gốm nhiều người làm ăn phát lên giàu có, nhà xưởng mọc lên san sát.

Nhiều, rất nhiều người dân ở Vĩnh Long, ở ĐBSCL mà chú Sáu đã để lại tình cảm đẹp trong lòng họ. Với chú Sáu như một người cha, người chú giúp người nông dân nơi đây thay đổi cuộc đời vốn một thời cơ cực. Ba của anh Cao Hoàng Phong ở xã Vĩnh Tường, Long Mỹ, Hậu Giang ngưỡng mộ chú Sáu như một “thần tượng”. Mới đây ông bất ngờ bị tai biến nhẹ, phải vào bệnh viện nhưng anh Phong vẫn không dám báo tin dữ về chú Sáu cho ba mình vì sợ sức khỏe của ba mình bị ảnh hưởng khi tin dữ bất ngờ ập đến với một người mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm