Lập quỹ bình ổn giá xăng dầu: Không nên để mạnh ai nấy góp quỹ

Theo Thông tư 56 của Bộ Tài chính vừa được ban hành về việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, khi cần thiết các doanh nghiệp (DN) được cộng thêm tối đa 500 đồng/lít đối với xăng, dầu diesel, dầu hỏa, 500 đồng/kg với dầu mazut để trích lập quỹ bình ổn giá. Khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (tính bình quân trong tháng) giảm hơn giá bán trong nước đến 500 đồng/lít (kg) thì DN được giữ giá bán theo thời gian quy định (khoảng 20 ngày) và DN được trích tiền vào quỹ bình ổn. Tuy nhiên, nếu giá thế giới tiếp tục giảm vượt trên 500 đồng/lít (kg), DN phải thực hiện điều chỉnh giảm giá bán. Khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, các DN phải giữ ổn định giá bán phù hợp với thời gian quy định của nhà nước. Khoản chênh lệch lỗ phát sinh do phải giữ giá được bù đắp từ quỹ bình ổn giá. Sau thời gian giữ ổn định giá bán, nếu giá thế giới tiếp tục tăng và tiền trong quỹ bình ổn giá đã hết, DN được quyền điều chỉnh giá bán nhưng mức điều chỉnh tối đa cho từng lần không vượt quá 500 đồng/lít (kg).

Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56 hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán quỹ bình ổn giá xăng dầu, lại có ý kiến từ một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu băn khoăn về tính khả thi.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) nhận định: Đúng là lúc giá bán lẻ xăng dầu trong nước cao hơn giá nhập khẩu thì những DN lớn sẽ đưa đúng 500 đồng/lít vào tài khoản riêng của quỹ bình ổn. Tuy nhiên, những DN nhỏ sẽ lại tính khác. Họ không đưa vào quỹ mà ngược lại đưa số tiền lời đó ra cho các đại lý. Trong tình thế đó, những DN lớn sẽ không bán được hàng và cũng phải tìm cách... lấy lại 500 đồng/lít để đưa ra đại lý. Như vậy, DN cũng chẳng bỏ được xu tiền nào vào quỹ mà cũng không ai kiểm soát được là quỹ đó đã có được bao nhiêu.

Theo vị đại diện này, ở các nước trên thế giới cũng có lập quỹ bình ổn giá tuy nhiên quỹ này phải tập trung ở nhà nước mặc dù không vào ngân sách. “Quỹ sẽ là một tài khoản riêng. Tất cả các DN tham gia nhập khẩu đều phải nộp 500 đồng/lít vào quỹ giống như khi nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí giao thông... Sau đó, nhà nước gom về một mối và trong trường hợp giá thế giới tăng thì nhà nước chỉ chi cho những DN nhập khẩu vào thời điểm đó. Như vậy sẽ rất sòng phẳng cho tất cả DN chứ không nên để DN mạnh ai nấy làm” - vị này nói.

Về vấn đề thông tư nêu mỗi lần tăng giá thì DN không được tăng quá 500 đồng/lít, một số đại diện nhà nhập khẩu (Saigon Petro, Petrolimex...) cho rằng Bộ nên nêu rõ việc giữ giá này trong bao lâu. Ví dụ: DN lỗ 1.000 đồng/lít thì đề nghị tăng 500 đồng/lít, sau đó khoảng 10 ngày nên cho phép tiếp tục tăng thêm 500 đồng/lít nữa. Theo họ, trong trường hợp giá thế giới tăng quá cao thì nhà nước phải có biện pháp can thiệp chứ không thể áp dụng theo quyết định mỗi lần tăng chỉ được tối đa 500 đồng/lít.

Liệu có chuyện giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng nhiều lần trong thời gian ngắn? Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), khẳng định: “Chắc chắn là không có chuyện tăng hoặc giảm giá liên tiếp. Vì thực tế nếu muốn điều chỉnh giá bán thì DN vẫn phải theo cơ chế đăng ký với tổ giám sát Bộ Công thương và Tài chính về giá xăng dầu”.

Lập quỹ bình ổn giá xăng dầu: Không nên để mạnh ai nấy góp quỹ ảnh 1Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính:

Không phải muốn tăng giá bao nhiêu cũng được

“Mục đích hình thành quỹ bình ổn giá là để các DN (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối được quyền chủ động nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu. Đồng thời, khi cơ chế điều hành giá xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của nhà nước thì DN phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thông tư 56 cũng nêu rất rõ nguyên tắc tính toán giá bán lẻ xăng dầu gồm: chi phí giá thị trường thế giới + các chi phí phát sinh ngoài nước (vận chuyển, bảo hiểm...) + các loại thuế, phí + lợi nhuận tối đa là 300 đồng/ lít xăng dầu, kg mazut + 500 đồng để trích quỹ bình ổn. Nếu giá thế giới tăng cao hoặc xuống thấp thì trích cao hơn 500 đồng hoặc thấp hơn quy định, thậm chí tạm thời chưa trích lợi nhuận vào quỹ này. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến lợi nhuận kinh doanh bị ảnh hưởng, khi đó DN sẽ lấy nguồn từ quỹ bình ổn để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình. Nói tóm lại là mỗi DN tự cân đối lợi nhuận của mình để trích quỹ bình ổn là bao nhiêu”.

. Thưa ông, liệu quy định DN không được tăng giá mỗi lần vượt 500 đồng/ lít có gây khó khăn cho DN không nếu giá dầu thế giới tăng cao và quỹ bình ổn thì cạn?

+ Việc quy định không được tăng giá xăng dầu mỗi lần vượt 500 đồng/lít là để khống chế DN đầu mối chứ không phải muốn đăng ký tăng bao nhiêu cũng được. Khi quỹ đang có tiền thì DN cứ giữ giá ổn định trong thời gian 30 ngày. Còn nếu giá thế giới tăng không lớn thì chỉ được phép nâng giá bán lẻ trong nước không quá 500 đồng/lít. Còn khi giá thế giới có biến động lớn mà quỹ cạn thì sẽ có nhiều giải pháp khác như điều chỉnh thuế chứ không chỉ là chuyện tăng giá. Cơ chế điều hành xăng dầu phải linh hoạt để hài hòa các lợi ích nhà nước, DN và người tiêu dùng.

. Giá dầu thế giới hạ tại sao không tạo điều kiện để DN hạ giá bán lẻ?

+ Quy định mức tăng giá như vậy là để giá bán lẻ trong nước bám sát giá thế giới và hạn chế được việc giá bùng lên mỗi khi giá thế giới tăng cao. Khi giá dầu thế giới hạ, đó sẽ là điều kiện tốt nhất để xây dựng quỹ. Có nguồn để nuôi quỹ bình ổn rồi, DN chủ động thực hiện giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước với tần suất và mức giảm không hạn chế. Tuy nhiên, tuyệt đối không được sử dụng quỹ bình ổn để giảm giá bán khi có lãi.

. Xin cảm ơn ông.

LÊ THANH thực hiện

LÊ THANH - MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm