Lãnh đạo lắng nghe, dân chẳng ngại nói

Từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2020, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức gặp gỡ, tiếp nhận ý kiến từ các tầng lớp nhân dân vào sáng thứ Bảy hằng tuần nhằm xây dựng và phát triển TP.HCM.

Nhiều người dân rất vui với chủ trương này. Pháp Luật TP.HCMghi nhận một số ý kiến của người dân…

“Những người giỏi sẽ góp nhiều kế hay”

Tôi rất hoan nghênh khi lãnh đạo TP.HCM thực hiện chủ trương này. Nó cho thấy sự cởi mở, chủ động, thật tâm muốn nghe dân. Nói thật, lâu nay dân có góp ý, bức xúc chuyện gì thì ra phường, quận trình bày nhưng chưa chắc nó đã chuyển tải đầy đủ tới lãnh đạo TP. Lãnh đạo sẵn sàng nghe, làm thì dân chúng tôi cũng chẳng ngại nói.

Lâu nay gặp lãnh đạo quận đã khó, huống gì gặp lãnh đạo TP. Với chủ trương lần này, người dân được trực tiếp trình bày, trao đổi với những người đứng đầu là điều mà ai cũng mong muốn. Khi tiếng nói của người dân được tôn trọng, họ sẽ chủ động hơn, ý thức hơn trong việc góp ý, hiến kế.

Và cái được thứ ba, tôi cho rằng đó là lòng tin, nó tạo ra niềm tin rằng lãnh đạo cần dân, muốn nghe dân. Dân có lòng tin với lãnh đạo, với chính quyền thì sẽ cùng chung tay xây dựng TP này tốt hơn.

Lâu nay những góp ý của bà con chỉ quanh quẩn trong địa phương nơi mình ở, mang tính lợi ích cá nhân, cái gì đụng đến quyền lợi của gia đình mình thì họ mới lên tiếng. Nhưng với chủ trương mới này, tôi tin rằng không chỉ chuyện vi mô mà những vấn đề vĩ mô như phát triển kinh tế nhanh, bền vững, môi trường đầu tư, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… sẽ được những người có chuyên môn, hiểu biết cởi mở góp ý.

Tôi tin là những người giỏi sẽ cống hiến chất xám, góp được nhiều kế hay cho TP.

BÙI THỊ LÝ, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM

Tạo gắn kết, niềm tin của dân

Đầu tiên, tôi cảm nhận là thái độ cầu thị của chính quyền trong việc thực sự muốn lắng nghe ý kiến, đóng góp của người dân, thực sự là điều rất đáng mừng.

Trước đây TP.HCM có cổng 1022 tiếp nhận 24/7 các phản ánh của người dân về sự cố hạ tầng kỹ thuật trong sáu lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, điện lực, viễn thông, giao thông công cộng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với bà con cử tri TP.HCM trong một lần tiếp xúc. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thời gian đầu, cổng thông tin này thực sự nhận được quan tâm của người dân, phía chính quyền cũng có sự chủ động, giải quyết các sự cố ngay khi tiếp nhận thông tin. Nhưng đến thời gian sau này thì không còn nghe ai nhắc đến cổng thông tin này nữa, vậy hiệu quả hoạt động của cổng thông tin này đến nay như thế nào rồi?

Nhắc lại như vậy để thấy khi bắt tay vào làm thì cần hiệu quả.

Với chủ trương là lãnh đạo muốn nghe góp ý, không phải những góp ý tủn mủn, nhỏ nhặt mà là những vấn đề lớn như giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy văn hóa tiên tiến; nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; công tác xây dựng Đảng… Chúng tôi thấy sướng, bởi các vấn đề lớn vậy mà lãnh đạo chịu bước xuống để nghe dân nói. Người dân cũng vì nhận thấy được sự tin tưởng đó mà cũng chẳng ngại ngần để góp ý cho chính quyền. Sự cộng hưởng giữa một bên chịu lắng nghe, một bên dám nói sẽ thúc đẩy sự phát triển của TP, tạo được sự gắn kết, niềm tin giữa dân với chính quyền.

Tôi mong muốn rằng đã làm thì phải làm thật tâm, cầu thị, không hình thức…

Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, ngụ quận 9, TP.HCM

Lãnh đạo TP.HCM ngày càng bám sát dân

Cá nhân tôi đánh giá chủ trương lần này của lãnh đạo TP là một bước ngoặt mới trong công tác bám sát đời sống người dân, cầu thị.

Với chủ trương mới này thì tần suất tương tác giữa dân với lãnh đạo sẽ thường xuyên hơn, lãnh đạo kịp thời nắm bắt được tâm tư, thái độ của người dân. Ngược lại, lòng tin của người dân với chính quyền sẽ ngày càng tăng, uy tín của chính quyền trong lòng người dân càng được cải thiện.

Đây cũng là một cách mà chính quyền thu hút những con người nhạy bén, có tri thức trong các lĩnh vực nhất định tìm ra những kế sách hay cho sự phát triển chung của TP. Vấn đề quan trọng nữa là lắng nghe với thái độ như thế nào để người dân cùng đồng thuận, chịu trao đổi, cởi mở để tìm được tiếng nói chung.

Tôi hy vọng đây sẽ là cánh cửa rộng để người dân và chính quyền gặp nhau, để chung tay xây dựng TP giàu mạnh, phát triển…

Ông HOÀNG PHÚC THIÊN, ngụ quận 9, TP.HCM

Gặp gỡ sáng thứ Bảy hằng tuần

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có kế hoạch 305 về việc “Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP.HCM sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước”.

Các chủ đề được chú trọng gồm: Giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế TP nhanh, bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; phát triển hệ thống doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó là giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng xã hội để TP thật sự là trung tâm của cả nước và khu vực, gắn với giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Trong nhóm vấn đề xã hội - con người, Thành ủy TP.HCM muốn nghe, tiếp thu các ý kiến hướng đến các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy văn hóa tiên tiến; nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm. Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng TP hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh công tác cải cách chế độ công vụ, cải cách hành chính, xây dựng TP thông minh…

TP.HCM cũng sẽ tổ chức hai cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 và những kỳ vọng của nhân dân TP trong nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm