Lần đầu tiên có chất vấn tại UBTVQH

Phiên chất vấn đầu tiên tại UBTVQH sẽ được thực hiện vào kỳ họp thứ bảy (nửa cuối tháng 3-2008) và đã có 21 câu hỏi của 11 ĐBQH được gửi đến. Tuy nhiên, tại phiên họp UBTVQH chiều ngày 25-2, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của hoạt động này.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, việc thí điểm trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH nhằm làm giảm bớt các nội dung chất vấn tại kỳ họp của QH, đáp ứng nhanh hơn trước những vấn đề thời sự mới phát sinh trong thực tế, thuộc trách nhiệm điều hành của các bộ, ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Quang Bình nêu vấn đề, theo Hiến pháp thì chỉ những nội dung đã trả lời tại kỳ họp QH nhưng cần phải điều tra, bổ sung thêm thì có thể trả lời tại UBTVQH.

Trong khi đó, Luật về hoạt động giám sát của QH thì cho phép UBTVQH tổ chức phiên chất vấn dựa trên các câu hỏi được ĐBQH gửi đến giữa hai kỳ họp. Theo ông Bình, chỉ những câu hỏi đòi hỏi trách nhiệm, giải pháp của người đứng đầu mới đưa ra chất vấn tại phiên họp UBTVQH.

Đồng tình với ông Bình, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng những câu hỏi dạng “xin đồng chí vui lòng cho biết...” thì không phải là chất vấn. Cũng theo ông Vượng, từ kỳ họp sau nên trình QH quyết định những vấn đề gì thì được chất vấn ở UBTVQH.

Ông Trần Thế Vượng cho biết theo quy định của pháp luật, sau chất vấn có thể ra nghị quyết nhưng luật chỉ ghi là trong “trường hợp cần thiết”. Thực tế, phần lớn các phiên chất vấn không ra nghị quyết mà chỉ có kết luận của chủ tọa. “Việc không ra nghị quyết sau các phiên chất vấn đã làm giảm tính hiệu quả của hoạt động này” - ông Vượng nói.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị nên có nghị quyết sau chất vấn và giám sát, bởi như vậy hoạt động chất vấn, giám sát của QH và các cơ quan của QH sẽ có thực quyền hơn.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Bình lại cho rằng rất khó ra nghị quyết. Ông Bình phân tích một phiên chất vấn có nhiều vấn đề, nhiều người như vậy thì ra nghị quyết cho ai. “Cũng có khi chất vấn một vấn đề nhưng liên quan đến trách nhiệm nhiều người, giải pháp từ nhiều ngành thì ra nghị quyết nội dung gì và nội dung gì thì không ra nghị quyết” - ông Bình phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lại khẳng định UBTVQH hoàn toàn có thể ra nghị quyết kết luận về phiên chất vấn. Theo ông Ksor Phước, trừ những vấn đề tế nhị liên quan đến đối ngoại, an ninh quốc gia cần bí mật, còn những vấn đề bức xúc, nóng bỏng khác bàn tại UBTVQH phải được công khai cho dân biết. “Tôi cho rằng cần phải minh bạch, công khai ngay trong hoạt động của UBTVQH!” - ông Ksor Phước kiến nghị.

ĐBQH có thể chất vấn qua đường dây nóng

Tại phiên chất vấn đầu tiên của UBTVQH diễn ra nửa cuối tháng 3 tới, Chánh án Trương Hoà Bình, các bộ trưởng Cao Đức Phát, Vũ Văn Ninh sẽ đăng đàn để giải đáp các nội dung chất lượng thẩm phán, hậu quả của rét hại, dịch bệnh và lạm phát.

Sau phiên đầu tiên chỉ làm thí điểm để rút kinh nghiệm này, các phiên chất vấn của UBTVQH sẽ được đài phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và ĐBQH theo dõi. Các ĐBQH có thể đặt câu hỏi chất vấn qua đường dây nóng có hai hoặc ba số điện thoại.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm