Lần đầu tiên chất vấn ở UBTVQH: Ít nhất đến 2009 mới kiềm chế được lạm phát

Ngày 28-3, lần đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn. Giá cả tăng cao, trách nhiệm điều hành của Chính phủ và chất lượng thẩm phán là những vấn đề làm nóng bàn nghị sự.

Chính phủ không điều hành sai !

“Đến giờ này chưa ai nói do Chính phủ điều hành sai nên CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng. Chính phủ họp liên tục để đối phó với tình hình. Tất cả các giải pháp đưa ra thời gian qua đều tích cực và đang có tác dụng” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy khi bị các đại biểu QH “xoay” về nguyên nhân và trách nhiệm trước việc để CPI quá cao.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định): “Giá cả leo thang liên tục, cứ như bộ trưởng nói thì toàn là nguyên nhân khách quan, không thấy nguyên nhân chủ quan đâu cả”. Bộ trưởng Ninh trả lời: Lúc Chính phủ báo cáo thì chỉ số giá đang thấp hơn tăng trưởng nhưng cuối cùng thực tế đã không đạt được mục tiêu, trong đó có nguyên nhân từ dự báo, đánh giá không sát tình hình.

Chưa thông, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) hỏi: “Bộ trưởng nói là Chính phủ không có lỗi trong điều hành vĩ mô, vậy tại sao trong cùng điều kiện nhưng CPI của ta cao nhất trong khu vực”. Bộ trưởng Ninh: CPI cao hay thấp phụ thuộc vào sức khỏe và độ mở của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta kém, xăng chúng ta nhập 100% nên không thể bảo thị trường thế giới người ta giảm giá cho ta được, chúng ta cũng không thể bảo là trời đừng thiên tai nữa...

Chưa thỏa mãn, đại biểu Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An) “bồi” thêm: “Tăng lương dịp Tết, tăng giá dầu vào thời điểm nhạy cảm có là nguyên nhân lạm phát? Lúc nào thì hết lạm phát?”. Bộ trưởng Ninh đáp: Tăng lương có tác động đến giá và ảnh hưởng đến CPI vì tăng lương là tăng khả năng thanh toán. Điều chỉnh giá xăng cũng có tác động nhưng Chính phủ cân nhắc rất kỹ vì phải bù lỗ quá nhiều, nếu cứ như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bù lỗ tràn lan. Bộ trưởng Ninh cho biết theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, ít nhất phải sang năm 2009 mới kiềm chế được lạm phát.

Để làm rõ thêm Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết năm ngoái Thủ tướng đã phê bình Ngân hàng nhà nước rất nặng. “Nếu điều hành tốt chính sách tiền tệ, nhất là công tác dự báo tốt thì CPI đã không cao như vậy. Chúng tôi có khuyết điểm khi tính toán mua ngoại tệ, tăng dự trữ... nhưng tôi khẳng định không có chuyện in tiền ra để làm tín dụng” - ông Giàu khẳng định.

Ai tăng lương cho nông dân?

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói về sự khốn khó của nông dân: “Đầu năm đến giờ, giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng 150% thì giá lúa tăng được 30%. Đã thế, khi nông dân đang trúng mùa, giá lúa đang ở mức 91.000 đồng/giạ thì Chính phủ thông báo hạn chế xuất khẩu, làm cho giá lúa hạ xuống còn 82.000 đồng/giạ”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Vật tư ngành nông nghiệp cũng theo cơ chế thị trường, nhà nước chỉ có thể theo dõi sát sao, không để thiếu hàng, sốt giá. Hiện nay thuế nhập khẩu phần lớn mặt hàng phục vụ nông nghiệp đã ở mức 0% rồi. Còn việc hạn chế xuất khẩu gạo là để bình ổn giá trong nước vì giá lúa lên thì người trồng lúa được lợi nhưng những đối tượng phải mua lương thực như bà con vùng cao, người nghèo ở các đô thị sẽ vô cùng khó khăn...

Ông Danh Út tiếp tục: “Tình cảnh ngư dân cũng không sáng sủa gì hơn. Nhìn một nửa tàu cá nằm bờ giữa mùa cá là mà thấy quặn lòng. Nếu không có chính sách kịp thời thì kinh tế đánh bắt sẽ phá sản”. Bộ trưởng Phát bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của ngư dân và “thực sự lo lắng trước tình trạng này” nhưng ông nói hỗ trợ của Chính phủ cũng chỉ phần nào thôi và bà con cần đổi mới cung cách làm ăn.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận phần trả lời của Bộ trưởng Phát bằng sự chia sẻ: Khó khăn của người nông dân trong thời điểm này nói bao nhiêu cũng chưa đủ. Giá vật tư cao như thế, giá lúa có lên được ít đồng nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Các khu vực khác được tăng lương nhưng nông dân thì có được tăng đâu...

Quản lý xây dựng cơ bản kém

Cuối buổi chất vấn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phân tích sự suy thoái kinh tế toàn cầu ở mức độ nguy hiểm đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta. Về chủ quan, kinh tế nước ta có những yếu kém nội tại: vốn, công nghệ, sức cạnh tranh, năng suất lao động..., khi gặp khủng hoảng thì bộc lộ rõ hơn.

Phó Thủ tướng cũng phân trần: Giá cả một số mặt hàng ta để bao cấp lâu quá. Xăng dầu, giá điện bao cấp khi giá thấp thì chúng ta vui vẻ cả nhưng khi gặp khủng hoảng, chúng ta phải thay đổi thì rõ ràng nó làm méo mó các quan hệ kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ số giá cả.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng thừa nhận quản lý xây dựng cơ bản là khâu yếu của Chính phủ và nó cũng ảnh hưởng đến CPI. Rất nhiều công trình xây dựng dở dang, chậm tiến độ, chính điều này làm mất cân đối tiền-hàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô... “Phải xây dựng cơ chế giá linh hoạt. Chúng tôi đang đề nghị các bộ xây dựng cơ chế mà không cần đợi Thủ tướng nữa” - ông nhấn mạnh.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Dân nguyện có văn bản ghi nhớ nội dung chất vấn để làm cơ sở giám sát Chính phủ, các thành viên Chính phủ phải thực hiện nghiêm những vấn đề được đại biểu đặt ra, không nên “nói rồi để đó”.

Lần đầu tiên chất vấn ở UBTVQH: Ít nhất đến 2009 mới kiềm chế được lạm phát ảnh 1Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình:

Có cán bộ tòa xin nghỉ để ra làm ngoài

Về thực trạng đội ngũ thẩm phán, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết tuy thiếu nhưng rất khó tuyển dụng vì lương không đủ sống, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc nhiều rủi ro. Một số thẩm phán, cán bộ tòa đã xin thôi việc để ra ngoài làm cho văn phòng luật sư hoặc công ty nước ngoài với thu nhập cao hơn nhiều lần...

Theo Chánh án, tình trạng thiếu nhân lực sẽ ngày càng trầm trọng nếu không có những thay đổi căn bản về cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ. Vì thế, ông đề nghị giao quyền tự chủ cho TAND tối cao trong đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực theo nhu cầu của ngành. Đề nghị thành lập Tổng cục quản lý tòa án để quản lý và đảm bảo công tác tài chính, hậu cần, xây dựng cơ bản, đào tạo, tổ chức cán bộ... cho ngành. Ông cũng đề xuất thành lập Trường đại học Tòa án để chủ động đào tạo cán bộ ngành.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm