TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ BÁO CHÍ ĐẾN 2025

‘Làm thận trọng, tránh gây ảnh hưởng lớn’

Ngày 25-9 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức “Hội nghị phổ biến đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Theo kế hoạch, các cơ quan chủ quản phải gửi phương án sắp xếp lại cơ quan báo chí về Bộ trước ngày 20-10 để trình Chính phủ.

Sẽ có cơ chế đặt hàng, chứ không bao cấp

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Phong - Tổng Biên tập báo Năng Lượng Mới đặt ra một số vấn đề, trong đó có việc báo chí không chạy theo lợi nhuận thuần túy…

 Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trao đổi lại việc báo chí không được chạy theo lợi nhuận thuần túy đã được thể hiện trong Luật Báo chí và các văn bản liên quan. Theo đó, tờ báo sinh ra có chức năng tuyên truyền tư tưởng văn hóa, đây là chức năng đầu tiên, báo làm đúng chức năng, đúng tôn chỉ, mục đích và hấp dẫn thì có thể quảng cáo, đăng thông tin để thu lợi cho báo một cách hợp pháp. Tuy nhiên, theo ông Kỷ, nếu báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thì có thể hỗ trợ về mặt kinh phí nhưng không phải một gói mà đặt hàng và sẽ chuyển tiền theo cơ chế đặt hàng, không phải bao cấp.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), nêu quan điểm đề án sắp xếp chính là để các báo thực hiện đúng tôn chỉ mục đích.

Ông Lượng cũng cho hay căn cứ vào quy hoạch này để các cơ quan không nằm trong đối tượng bị quy hoạch đừng xin ra báo nữa và cơ quan quản lý nhà nước cũng căn cứ vào quy hoạch từ chối cấp phép.

 
Theo đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các sở, ngành không có cơ quan báo in. Ảnh: HTD

Không máy móc, cứng nhắc

Trước băn khoăn của một số cơ quan chủ quản báo chí về cách thức thực hiện, sắp xếp hay giải thể các cơ quan báo chí thuộc chủ quản của mình, ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết sẽ cùng cơ quan chủ quản tháo gỡ khó khăn ở những nơi có nhiều cơ quan báo chí. “Chúng tôi đã có kế hoạch ngày 1-10 tới đây sẽ làm việc với TP.HCM và một số tổ chức xã hội nghề nghiệp khác để cùng trao đổi, bàn luận về quy hoạch báo chí” - ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn nhấn mạnh việc sắp xếp quy hoạch báo chí phải thực hiện theo đề án nhưng phải tính đến cơ quan báo chí có vai trò tác động lớn, có số lượng bạn đọc lớn và có ảnh hưởng xã hội lớn thì cũng phải xem xét có cơ chế phù hợp chứ không phải làm một cách máy móc, cứng nhắc.

 “Chúng tôi sẽ làm thận trọng, tránh để tác động gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ những người làm báo. Làm thế nào để vừa đảm bảo sự ổn định, vừa đảm bảo báo chí phát triển đúng định hướng, tránh chồng chéo, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích” - ông Tuấn bày tỏ.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể có một cơ quan tạp chí in

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã công bố về quan điểm, mục tiêu và định hướng quy hoạch báo chí. Cụ thể như sau:

Ban Chấp hành Trung ương có báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản và giữ nguyên số ấn phẩm hiện có. Mỗi ban của Đảng có một cơ quan tạp chí in làm chức năng chỉ đạo, thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ.

Văn phòng Quốc hội có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in.

Bộ, cơ quan ngang bộ có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. Cơ quan thuộc Chính phủ có một cơ quan tạp chí in. Quân khu, quân chủng có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. Tổng cục thuộc bộ có một cơ quan tạp chí in. Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có một cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Mỗi tỉnh, TP trực thuộc trung ương có một cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, TP là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo in.

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có một cơ quan báo in trực thuộc liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có một cơ quan tạp chí in.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể có một cơ quan tạp chí in. Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có một cơ quan tạp chí in.

Sẽ có cơ chế đặc thù

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định đối với những cơ quan báo chí có lượng bạn đọc và công chúng lớn nhưng lại nằm trong đối tượng điều chỉnh của đề án sẽ có những cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai. Một trong những phương án được đề ra là việc sẽ chuyển đổi cơ quan chủ quản của những tờ báo này lên một cấp cao hơn để tạo thuận lợi cho tờ báo phát triển và cũng thống nhất được việc quản lý, chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm