Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20

Ông Lê Văn Oanh, Chủ nhiệm Khối trí thức - CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM:

Cần “phổ thông hóa” pháp luật hơn

Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20 ảnh 1Tôi đọc Báo Pháp Luật TP.HCM mỗi ngày. Ngay cả những ngày này, đang nằm trong bệnh viện, tôi cũng đọc. Tôi thích những bài viết tranh luận, phân tích về các luật mới ra đời hay đang bổ sung, sửa đổi. Nhờ đọc những bài này, tuy không phải là dân luật nhưng tôi đã tích lũy được rất nhiều kiến thức về pháp luật. Tôi thấy các bài báo của các bạn có tính lý luận rất sâu. Tuy nhiên, điều này cũng có phần cản trở cho sự tiếp thu của những người có trình độ hạn chế. Tôi rất hiểu khó khăn của Pháp Luật TP.HCM trong việc phổ biến pháp luật vì pháp luật vốn đã khô khan. Báo hãy tăng cường thêm sân chơi để phổ cập kiến thức pháp luật đến càng nhiều người càng tốt. Các bạn hãy cố gắng “phổ thông hóa” những bài luật nặng nề bằng những tình huống thực tiễn dễ hiểu. Trò chơi “À Ra Thế!” vào mỗi sáng Chủ nhật là một cách làm rất hay và khá sống động.

Ông Mai Văn Tư, cựu chiến binh khu phố 6, phường Linh Đông, quận Thủ Đức:

Tôi học luật từ Báo

Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20 ảnh 2Đọc Báo Pháp Luật TP.HCM, tôi thích nhất là các vấn đề về đất đai. Tôi thường có thói quen cắt và lưu giữ lại những phần này. Báo phản ánh nhiều chiều, có thắc mắc, khiếu kiện của người dân, có giải đáp của chính quyền, đồng thời hướng dẫn những thủ tục, giấy tờ liên quan giấy hồng, giấy đỏ... một cách rõ ràng, dễ hiểu. Đó là điểm mạnh của Pháp Luật TP.HCM.

Đọc Báo tôi cũng biết được những câu chuyện pháp lý từ chính cuộc sống. Với những tình huống phức tạp, tôi thường trao đổi với bạn bè để hiểu hơn một điều luật nào đó.

Nói chung, Pháp Luật TP.HCM không chỉ đưa sự kiện mà còn biết phân tích để giúp người dân hiểu hơn về pháp luật. Báo nên phát huy thế mạnh này, tránh sa vào việc đưa những chuyện tủn mủn, vụn vặt, chẳng hạn như những vụ cướp, giết... mà ở đó người đọc chỉ thấy sự rùng rợn chứ không thấy được bài học pháp lý nào.

Ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch UBND phường 6, quận 5:

Nên tăng cường viết về khu dân cư

Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20 ảnh 3Tôi thường hay đọc trang Nhà nước-Công dân của Báo. Ở đó có nhiều bài viết gắn sát với thực tiễn, những vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, tôi cũng thích Chương trình trợ giúp pháp lý vì nó cung cấp cho tôi nhiều kiến thức pháp luật.

Tôi thấy Báo nên tăng cường các bài viết về khu dân cư vì không ai tách rời nơi sinh sống của mình. Có rất nhiều câu chuyện hay ở khu dân cư mà bà con khá quan tâm. Mặt khác, trên báo điện tử, Báo nên có góc nhỏ tiếp sức với báo giấy, theo đuổi xuyên suốt vấn đề Báo đang đeo bám. Ví dụ, khi thực hiện chuyên đề văn minh đô thị, bên cạnh bài viết nên có “phần đất” cho những hình ảnh ghi nhận cảnh nhếch nhác và cả cảnh sạch đẹp để mọi người có ý kiến khen chê, góp ý. Làm như vậy thì tính tương tác giữa bạn đọc và Báo sẽ cao hơn.

Chị Bùi Thanh Huyền, phường 17, quận Bình Thạnh:

Thêm nhiều bài viết về dân sinh

Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20 ảnh 4Tôi thường xuyên đọc Báo Pháp Luật TP.HCM mặc dù không phải trang nào cũng đọc. Có vẻ các bài viết về chính sách, chủ trương của nhà nước trên mặt báo hơi nhiều. Do vậy, với những người trẻ tuổi, lại ít thời gian thì có lẽ Báo sẽ trở nên khó đọc. Người dân tôi vẫn thích đọc những gì liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình hơn. Mong rằng Báo sẽ có thêm nhiều bài viết gắn liền với cuộc sống của người dân.

Vì đặc trưng của tờ báo về pháp luật - như tên gọi của nó - là đi sâu vào các vấn đề pháp lý nên tôi cũng thường hay đọc kỹ các tình huống hỏi và trả lời trong Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí. Chỉ cái khung nho nhỏ vậy mà khi đọc tôi lại nhớ lâu vì nội dung gắn với từng thắc mắc rất cụ thể. Từ đó, tôi có thể tự trang bị cho bản thân những kiến thức pháp luật cơ bản.

Chị Nguyễn Tố Ngân, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1:

Cần chú ý nhiều hơn đến trình bày

Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20 ảnh 5Cầm tờ báo nào tôi cũng để ý đến cách trình bày trước khi đọc. Theo tôi, Pháp Luật TP.HCM nên có sự thay đổi về cách trình bày. Tôi thấy ngay trang bìa thôi nhiều khi cũng bị rối, dễ làm người đọc bỏ qua khi lướt mắt trên sạp báo với vô vàn đầu báo. Ảnh trên Báo nhiều nhưng khi người đọc cần nhìn kỹ thì nó nhỏ quá, có khi lại lớn quá. Bên cạnh đó, Báo nên cố gắng đặt tên bài ít chữ thôi cho dễ đọc.

Về nội dung, tôi vẫn ưng Pháp Luật TP.HCM ở điểm dám đấu tranh, đi đến cùng sự thật. Báo có nét đặc sắc là các khía cạnh đều được xem xét dưới góc nhìn của những người làm luật chứ không chỉ nêu sự việc rồi thôi. Hy vọng rằng Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ phát huy thế mạnh bằng những đề tài chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải, góp phần đem lại sự công bằng cho xã hội.

Anh Nguyễn Văn Thọ, phường 5, quận Gò Vấp:

Mong đợi nhiều phóng sự hay

Kỳ vọng ở Pháp Luật TP.HCM tuổi 20 ảnh 6Tôi thường đọc trước hết là mục Cà phê sáng vì nó không chỉ đề cập đến vấn đề thời sự nổi bật mà còn bình luận rất sâu sắc. Mới đọc tưởng chuyện cười đấy nhưng không phải, đằng sau nó có sự châm biếm sâu cay. Có nhiều cái Cà phê sáng đọc rất thấm thía, các đơn vị, cá nhân sai trái gần như bị chỉ trúng mặt, đặt trúng tên phải im lặng. Đó mới là cách phê phán hay!

Sau Cà phê sáng bao giờ tôi cũng coi trang Thể thao. Khách quan mà nói, tin tức thể thao của Báo chưa lấy gì làm đặc sắc, có khi còn cũ nhưng riêng về phần bình luận lại sắc sảo và lôi cuốn. Tuy vậy, ảnh của trang Thể thao lại không đẹp.

Tôi hơi băn khoăn là khoảng một, hai năm nay, sau loạt bài “Bến xe Lam Hồng” thì những vụ việc mang tính đấu tranh có vẻ không nổi bật như trước. Tôi biết rằng không chỉ riêng tôi mà các bạn đọc khác vẫn mong đợi những bài báo điều tra, phóng sự dài kỳ, hoành tráng như vậy trên Pháp Luật TP.HCM.

THÙY LINH - THU HƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm