Kỳ vọng 2011

Ngày đầu tiên của năm mới là thời khắc thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại những việc cần tiếp tục hoàn thiện và gửi gắm những ước vọng vào một năm mới tươi sáng hơn.

Những tâm tư của người dân TP.HCM đều gắn với những vấn đề rất dân sinh, sát sườn với cuộc sống của họ. Nào là giá cả tăng rồi kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện… Tất cả đều mong muốn sang năm mới cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn bởi nỗ lực của mọi người, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền TP.

Quan tâm hơn đến chất lượng sống

Đối với TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung, có nhiều vấn đề cần nhìn lại trong năm 2010 để khắc phục cho năm 2011. Cụ thể, tôi quan tâm đến chất lượng sống của người dân chưa được nâng lên tương xứng với tốc độ tăng trưởng: Giá cả leo thang khiến bữa ăn của người dân teo tóp dần; kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn còn trầm trọng… Năm 2010 lại rộ lên nạn “hố tử thần” khiến người dân cảm thấy bất an khi đi đường. Đặc biệt, cuộc sống của người dân ở những vùng thường xuyên bị ngập nước cũng chưa được cải thiện gì nhiều, rất khốn khổ những khi triều cường, mưa lớn.

Kỳ vọng 2011 ảnh 1

Một gia đình người Nhật vui mừng đón giao thừa cùng người dân TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong đánh giá, chúng ta hay nói đến kinh tế phát triển nhưng lại không đánh giá hết chất lượng sống của người dân hiện nay như thế nào. Tôi mong muốn trong năm tới TP cần quan tâm đến vấn đề này và có những biện pháp có kết quả khả thi.

Mấy năm qua TP chúng ta có nhiều nỗ lực để thực hiện nếp sống văn minh đô thị và cũng đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong việc dẹp hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường thì vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều. Nguyên nhân theo tôi là do chính sách của mình đưa ra xuất phát từ lòng mong muốn nhưng mong muốn ấy nhiều lúc lại không phù hợp với thực tế.

Hiện nay có nhiều người dân phải mưu sinh bằng việc bán hàng rong. Tôi nghĩ nhà nước nên xem đây là một lối thoát cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho họ mà vẫn giữ được bộ mặt đô thị sạch đẹp, văn minh. Chẳng hạn nên cho phép họ bán ở những địa điểm nhất định, vừa không gây ảnh hưởng đến giao thông vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần phải tăng cường lực lượng giám sát quản lý chặt chẽ hơn về hàng rong trên địa bàn.

Luật gia LÊ HIẾU ĐẰNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và
pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Quyết liệt giải bài toán giao thông

Trong năm 2010, dù đã rất nỗ lực cải thiện nhưng bài toán giao thông tại TP.HCM vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Tình hình ngày càng trở nên trầm trọng hơn trước. Điều này xuất phát từ hai yếu tố của công tác quy hoạch: Phát triển ồ ạt cao ốc văn phòng cho thuê tại trung tâm TP và giải pháp giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ.

Hơn thế, “lô cốt”, “hố tử thần” rồi xe lửa ra vào TP trong giờ cao điểm… gây cản trở giao thông rất lớn khiến cho tâm lý người dân khi giao thông trên đường trở nên căng thẳng một cách không cần thiết, dẫn đến việc họ sẵn sàng đi lấn vào các phần đường không được phép. Đó là chưa nói nhiều lúc chen lấn dẫn đến va quẹt nhau, nhiều người không kiềm chế được đã dựng xe ngay giữa đường cãi vã, thậm chí đánh nhau gây mất trật tự.

Để giải được bài toán khó này, TP cần sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn đọng như “lô cốt”, “hố tử thần”, giờ ra vào TP của xe lửa… Cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động tham gia và nâng cao chất lượng phục vụ của phương tiện giao thông công cộng. Tôi hy vọng sang năm mới, người dân ra đường sẽ bớt căng thẳng vì đường chật, xe đông lại chèn “lô cốt” và “hố tử thần” như hiện nay.

TRẦN MẠNH THÁI, giảng viên Trường ĐH Văn Hiến

Bình ổn giá cả để dân đỡ cực

Tôi làm công nhân một công ty may túi xách ở quận Bình Thạnh. Dù công ty rất quan tâm đến đời sống công nhân từ tiền lương, tiền thưởng đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… nhưng đời sống công nhân chúng tôi vẫn rất khó khăn bởi giá cả ngày càng leo thang. Giá tăng như vậy buộc chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng để sống thì may ra mới có đồng dư để gửi về quê.

Trước đây, tôi chỉ mua 2.000 đồng một bó rau muống về luộc đủ cho hai vợ chồng ăn thì giờ đây phải mua 4.000 đồng. Một bình gas mini trước đây đổi chỉ có 4.000 đồng nhưng giờ cũng tăng lên 5.500 đồng… Giá ngoài chợ tăng vèo vèo chưa đủ, tiền phòng trọ, tiền điện, tiền nước cũng “hùa” theo tăng dần mỗi năm khiến đồng lương công nhân đã còm lại càng thêm cõi.

Qua năm mới, chúng tôi tha thiết mong TP quan tâm hơn nữa đến vấn đề bình ổn giá cả để người thu nhập thấp bớt lo lắng vì chuyện cơm áo gạo tiền…

LÊ THỊ CẨM GIANG, công nhân

THÀNH NHÂN ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm