Kiến nghị lập ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp

Ủy ban Pháp luật vừa chính thức đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa vào dự kiến chương trình làm việc của QH ban hành Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 1992 và thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII (tháng 7-2011). Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết tại phiên họp chiều 29-6 của UBTVQH cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Đối với dự án Luật Cơ yếu và Luật Biển Việt Nam, hai dự án này thuộc chương trình chính thức năm 2011, tuy nhiên Chính phủ đã đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án này do còn một số vấn đề chưa thống nhất, cần thêm thời gian nghiên cứu. “Đến nay, các vướng mắc đã được xử lý, do vậy Chính phủ đề nghị bổ sung hai dự án này vào chương trình năm 2011, trình QH khóa XIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai” - tờ trình Chính phủ nêu.

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được QH cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ tư QH khóa XIII (tháng 10-2012). Theo đó sẽ tập trung vào những nội dung chính như sửa đổi quy định về mức giảm trừ gia cảnh, khoảng cách thu nhập chịu thuế giữa các bậc thuế, quy định về thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Luật Thuế TNCN vừa ra đời (có hiệu lực từ 1-1-2009) nhưng đã sớm lạc hậu, bộc lộ nhiều bất cập. “Luật này rất quan trọng, lần này phải nghiên cứu sửa đổi thế nào để luật có đời sống dài hơi hơn. Tờ trình Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng tôi đề nghị nếu cần thiết thì rà soát lại toàn bộ, đề nghị cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp” - ông Hiển nói.

Sáng cùng ngày, UBTVQH họp về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009. Báo cáo thẩm tra sơ bộ về quyết toán NSNN năm 2009 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cho thấy việc chấp hành các quy định về chi NSNN ở một số bộ, ngành và địa phương, đơn vị còn chưa tốt, nhiều khoản chi tăng đột biến. “Có những khoản chi cần phải tiết kiệm như chi quản lý hành chính nhà nước thì lại tăng 4,8%, trong đó 19/31 địa phương chi quản lý hành chính tăng trên 30% so với dự toán… Dù kỷ luật tài chính được thắt chặt nhưng tình trạng sử dụng ngân sách cho vay sai quy định, tạm ứng kéo dài vẫn còn xảy ra ở một số địa phương” - ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng nhận xét: “Chúng ta quản lý tiền của dân như thế này là không được. Hình như chúng ta đang tự thỏa mãn và chấp nhận tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Do đó, nếu không có sự mạnh mẽ, sự thay đổi và giải pháp đột phá về tổ chức, nhân sự thì vài năm nữa cũng sẽ vẫn như thế này thôi”.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tình hình thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán năm 2009 đã tích cực hơn năm trước (năm 2008 là 62%, còn 2009 là 69,15%). Tuy nhiên, vẫn còn tới gần 30% vấn đề chưa thực hiện, cần có biện pháp tiếp tục xử lý. “Không thể để mãi tình trạng kiểm toán cứ kiểm toán, còn việc thực hiện kết luận và xử lý chỉ rút kinh nghiệm là xong” - ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nói. Đồng tình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng cần phải làm rõ vì sao việc thực hiện và xử lý theo kết luận kiểm toán lại thấp để sắp tới đưa ra QH bàn và quy trách nhiệm.

ĐỨC MINH - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm