BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ HAI HĐND TP.HCM (KHÓA VIII)

Kiềm chế lạm phát để đạt mục tiêu tăng trưởng 12%

Ngày 14-7, kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM (khóa VIII) bước sang ngày làm việc thứ hai và họp phiên bế mạc. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết số tiền hơn 212 tỉ đồng TP tiết kiệm được do tạm dừng mua sắm ô tô, điều hòa nhiệt độ... sẽ được chuyển vốn sang cho các công trình cần thiết khác. “Những dự án xây bệnh viện, trường học phục vụ khai giảng năm học mới, dự án đưa vào sử dụng trong năm 2011 sẽ được ưu tiên hàng đầu...” - ông Quân khẳng định.

Cũng theo ông Quân, TP đã ra quyết định xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 30.345 người. Đồng thời, chỉ đạo phòng lao động-thương binh và xã hội quận, huyện kịp thời nắm thông tin, phát hiện nhanh và giải quyết các tranh chấp lao động có thể xảy ra tại các DN.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết nhiệm vụ sáu tháng cuối năm TP sẽ tập trung vào cải cách hành chính, giữ vững ổn định chính trị, kiềm chế lạm phát và xử lý kiên quyết nạn đua xe trái phép… “Sáu tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở TP tăng 4,5%, số người chết tăng 7%, số người bị thương tăng 47% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi ngày có 3,5 người chết vì TNGT là con số đáng lo ngại. Do đó, TP phấn đấu kéo giảm các vụ TNGT trên cả ba mặt là số vụ tai nạn, số người chết và bị thương” - ông Quân khẳng định.

Tại kỳ họp này, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về nội quy kỳ họp cho cả nhiệm kỳ. HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về kinh tế-xã hội sáu tháng cuối năm. Theo đó, TP phấn đấu GDP cả năm đạt 12%. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế của TP như lạm phát vẫn còn cao, tranh chấp lao động có xu hướng tăng, số vụ TNGT còn nhiều... “Sáu tháng cuối năm, TP cần tập trung kiềm chế lạm phát, giải quyết tốt tình hình tranh chấp lao động tập thể… để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 12% như nghị quyết đề ra” - bà Tâm nói.

Hàng bình ổn: Giá mỗi nơi một kiểu

Sáng 14-7, các đại biểu đã chất vấn Sở Công Thương về bình ổn giá cả trên địa bàn TP. Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trước đây TP chỉ bình ổn giá vào những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, từ năm 2010, trước tình hình kinh tế khó khăn, TP đã cho làm bình ổn giá quanh năm với giá bình ổn thấp hơn thị trường ít nhất 10%...

Đại biểu Trần Trọng Dũng cho biết chính ông đã trực tiếp đi mua hàng bình ổn cho mùa khai giảng thì thấy giá bán mỗi nơi một kiểu, có cửa hàng bình ổn giá nhưng lại không có hàng bình ổn để bán… “Qua ý kiến anh Dũng, tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh lại việc này” - bà Đào nói. Một đại biểu thuộc đơn vị tham gia bình ổn giá giải thích thêm: “Giá chênh lệch như vậy là do mỗi nơi áp dụng giá chia sẻ với người tiêu dùng khác nhau. Anh nào chia sẻ nhiều thì giá thấp, anh nào chia sẻ ít thì giá cao nhưng tất cả đều phải thấp hơn giá thị trường”.

TRỌNG MẠNH - N.NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm