Không “gây khó” người được thi hành án

Sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự (THADS). 

Cơ quan THA phải xác minh điều kiện THA

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình UBTVQH dự thảo luật trên với việc bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ bốn điều so với luật hiện hành. Một số nội dung quan trọng sửa đổi lần này là: Chuyển nghĩa vụ của người được THA phải xác minh điều kiện THA thành trách nhiệm của chấp hành viên và người được THA không phải trả chi phí cho việc xác minh điều kiện THA; tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra THA; mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước; phạt chậm nghĩa vụ THA về tiền; xã hội hóa hoạt động THADS…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH khẳng định kết quả giám sát việc thi hành Luật THADS những năm qua cho thấy việc giao trách nhiệm xác minh điều kiện THA cho người được THA và họ phải chịu chi phí nếu yêu cầu cơ quan THADS xác minh đã bộc lộ nhiều bất cập, không bảo đảm quyền lợi chính đáng của đương sự. Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng chuyển trách nhiệm này cho cơ quan THADS như dự thảo luật là cần thiết.

 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật THADS sáng 21-4. Ảnh: BM

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng dự thảo cần xác định những vấn đề thật sự cấp thiết, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả THADS để sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là tập trung vào các quy định không phù hợp, khó triển khai thực hiện, nhất là các vấn đề bức xúc: Xác minh, truy tìm tài sản THA, cưỡng chế THA, điều kiện THA và xét miễn, giảm THA...; xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

Đừng thêm thủ tục không cần thiết

Ngược lại với việc ủng hộ sửa quy định trên, các ý kiến cho rằng việc thủ tục THA lại “đẻ” thêm khâu tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành là không cần thiết và làm rườm rà.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, dự thảo bổ sung quy định trên nhằm tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của TAND trong công tác THADS. Theo đó, tòa án chủ động ra quyết định trên đối với phần bản án, quyết định về: hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước,... Ngoài ra, tòa còn ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự.

Phản biện, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào nói: Điều 29 trong dự thảo giao thẩm quyền “Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành”. Nhưng sau đó đến Điều 36 lại quy định “Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định THA”. Quy định thủ tục như thế thì việc tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không còn cần thiết nữa, chỉ thêm một thủ tục, không có ý nghĩa gì. Theo ông Hào, trước nay không có thủ tục tòa đưa bản án, quyết định ra thi hành thì những bản án, quyết định có hiệu lực vẫn được THADS ra quyết định thi hành. Ông Hào cho rằng nếu giao thẩm quyền cho tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành thì cũng nên giao tòa án thẩm quyền hoãn, miễn giảm nghĩa vụ THADS.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cũng băn khoăn quy định này liệu có giải quyết được những ách tắc, tồn đọng trong THADS. “Vì thực tế cho thấy tồn đọng trong THA nhiều không phải do khâu ra quyết định THA. Hơn nữa, bản án ban hành có hiệu lực thì đương nhiên phải được thực hiện, có cần tòa án ra thêm một quyết định nữa không?” - ông Lý nói.

Tạm gút lại vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng: Tăng trách nhiệm của tòa án trong THADS có ý nghĩa rằng tòa phải đảm bảo khắc phục tình trạng án tuyên không rõ, không khả thi, khó thi hành, trả lời kịp thời những vướng mắc với THA. “Còn buộc trách nhiệm tòa ra bản án rồi còn ra quyết định đưa bản án ra thi hành thì phải cân nhắc lại” - ông Lưu nói.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm