Không được né tránh trả lời báo chí

Sáng qua 25-12, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết tám năm thi hành Luật Báo chí, các đại biểu tiếp tục góp ý sửa đổi Luật Báo chí. Ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, đã phổ biến quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Ông Vinh nhận định một số cơ quan chủ quản còn nể nang, chiếu cố quá trình cống hiến, các quan hệ tế nhị... mà bổ nhiệm tổng biên tập (TBT), phó TBT chưa đáp ứng yêu cầu. Quy chế mới ban hành nhằm chấm dứt tình trạng này. Theo đó, người được bổ nhiệm TBT cơ quan báo chí phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và quản lý báo chí, phải hoạt động trong lĩnh vực báo chí ít nhất ba năm.

Tổng biên tập nên được quyền bổ nhiệm cấp phó

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, tới đây Bộ sẽ ban hành quy chế trách nhiệm của TBT, trong đó quy định rõ nếu TBT đi vắng mà không ủy quyền lại cho cấp phó thì khi có chuyện xảy ra, TBT vẫn phải chịu trách nhiệm. “Chứ vừa qua, một số cơ quan báo chí có sai phạm, khi hỏi đến trách nhiệm thì thường báo cáo là TBT đi vắng, đi công tác nước ngoài”.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng, TBT Báo Tuổi Trẻ, cho rằng Luật Báo chí quy định cơ quan chủ quản có thẩm quyền bổ nhiệm phó TBT là chưa hợp lý. Thực tế, TBT có trách nhiệm chính trị rất lớn nhưng trong thực tế, không phải lúc nào họ cũng có thể duyệt tất cả các tin bài mà phải san việc cho cấp phó. Do đó, cần bổ sung quy định TBT được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp phó sau khi đã trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền. “Vì có thực sự tin tưởng nhau thì mới làm việc tốt được” - ông Hoàng nói.

Báo chí đối mặt với nguy cơ bị kiện

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, nhấn mạnh theo Quy chế Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, tránh tình trạng đùn đẩy hoặc né tránh trả lời. Theo ông Lượng, làm tốt việc cung cấp thông tin trong một số trường hợp còn tránh được việc thông tin không đầy đủ gây hoang mang cho người dân.

Phó TBT Báo Pháp Luật TP.HCM Hoàng Chương đề cập tình trạng báo chí bị kiện và nhận định đó là một nét tiến bộ về dân chủ. Tuy nhiên, do luật có nhiều khoảng hở mà báo chí phải đối mặt với nguy cơ bị kiện và thua kiện rất cao. Đó là luật chưa quy định rõ ràng về bí mật đời tư, quyền sử dụng ảnh cá nhân, danh mục bí mật nhà nước cũng như trách nhiệm liên đới của người cung cấp thông tin cho báo chí... “Luật quy định báo chí không được xâm phạm bí mật đời tư nhưng thế nào là bí mật đời tư thì lại chưa có văn bản nào quy định!”.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định Bộ sẽ ghi nhận và xem xét các kiến nghị xác đáng của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Người sở tại sẽ không được làm phóng viên thường trú?

Đại diện Báo Pháp Luật TP.HCM nêu băn khoăn về dự thảo Quy chế Quản lý văn phòng đại diện và phóng viên thường trú đang được lấy ý kiến.

Theo dự thảo, phóng viên thường trú không phải là người địa phương đó; phải có thẻ nhà báo tại cơ quan báo chí xin đặt cơ quan đại diện hoặc cử phóng viên thường trú; là người trong biên chế hoặc được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; không phải là người đã bị cơ quan cũ buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động vì vi phạm pháp luật về báo chí hoặc đạo đức nghề nghiệp. “Không biết căn cứ trên những cơ sở nào để đưa ra quy định phóng viên thường trú không được là người sở tại?” - đại diện Báo Pháp Luật TP.HCM thắc mắc.

Một số đại biểu cho rằng quy định này vi phạm quyền lao động và quyền tự do cư trú của công dân. Việc xác định thế nào là “người của địa phương” cũng rất khó, bởi sẽ căn cứ trên hộ khẩu hay là thực tế cư trú?... Ngoài ra, quy định phải có thẻ nhà báo cũng sẽ dẫn đến tình trạng tương tự như “hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu” trước đây. Bởi lẽ theo Thông tư 07 ngày 20-3-2007 hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo thì người được xét cấp thẻ nhà báo phải “có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp”. Nhưng để được ký hợp đồng (trong trường hợp là phóng viên thường trú) thì dự thảo quy chế lại quy định phải có thẻ nhà báo! Nếu quy định như vậy thì những cử nhân báo chí mới ra trường sẽ không có một cơ hội nào.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định đây là bản dự thảo một. “Sẽ có nhiều điều chỉnh từ nay đến khi ban hành để phù hợp với thực tiễn” - ông Đỗ Quý Doãn nói.

THANH HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm