‘Không được nể nang trong thi đua’

Sáng 26-12 đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2014 của ngành thi đua - khen thưởng. Tại hội nghị lần này, một số cá nhân có sáng kiến cải thiện đời sống người dân đã được mời đến dự như một sự vinh danh.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng công tác thi đua, khen thưởng năm 2014,  có nhiều khởi sắc. “Đặc biệt, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khi bình xét các tiêu chí thi đua và các danh hiệu đã chú ý tập thể và cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chính những nghiên cứu khoa học mới góp phần tăng năng suất lao động” - bà Doan nói.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhìn nhận công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. “Cái bệnh trầm kha của chúng ta đó là vẫn còn nể nang trong công tác thi đua. Khi xét duyệt chiến sĩ thi đua toàn quốc, năm nay chúng tôi để lại 40 trường hợp vì không thực hiện đúng tiêu chí. Ví dụ một tiêu chí vô cùng quan trọng cho một đồng chí được công nhận chiến sĩ thi đua là phải có sáng kiến sáng tạo và sáng kiến sáng tạo này phải được hội đồng khoa học công nhận. Có tiêu chí rồi mà các đồng chí không chấp hành cứ đưa lên nhiều quá. Vì vậy các đồng chí chú ý vẫn còn cái bệnh trầm kha là nể nang. Năm nay chúng tôi làm chặt chẽ hơn cho nên kiên quyết để lại 40 trường hợp đó” - bà Doan nói.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Từ những tồn tại, bà Doan rút ra bảy bài học trong công tác thi đua, khen thưởng, trong đó nhấn mạnh đến khen thưởng đúng và kịp thời, khen thưởng đúng tiêu chí đề ra. Đồng thời phải tăng cường phát hiện nhân tố mới, đẩy mạnh tuyên truyền và có thêm nhiều hình thức biểu dương người tốt, việc tốt. Đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ ngành thi đua - khen thưởng phải đi đầu trong thi đua chứ không phải hô hào người khác thi đua.

Bà Doan cũng đề nghị trong năm 2015, toàn ngành thi đua - khen thưởng phát động phong trào thi đua phải đặc biệt chú trọng việc khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất.

Tôn vinh sáng kiến từ nhân dân

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết phát minh, sáng chế máy xới trục liên hợp của ông Cao Phi Hổ (ngụ ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) đã được chủ tịch UBND tỉnh này trình Chủ tịch nước xét tặng huân chương Lao động hạng Ba.

Đến dự hội nghị còn có lương y Đào Viết Thoàn, (xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), người được biết đến là lương y có nhiều bài thuốc chữa bỏng và đã chữa khỏi cho nhiều người bệnh trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Phi Hổ kể rằng từ cách đây 10 năm, ông đã ấp ủ ước mơ làm sao phát minh ra một cái máy vừa tiết kiệm công sức, vừa tiết kiệm tiền bạc cho người nông dân xới đất trồng lúa. Ông đã mày mò và bắt tay vào thử nghiệm nhưng phải đến tháng 3-2013 ông mới hoàn thành chiếc máy xới trục liên hợp. Chiếc máy đã tiết kiệm được cho người dân 50 triệu đồng so với phải mua cả sử dụng máy xới và máy trục thông thường, đồng thời tiết kiệm về chi phí làm đất đến 50 triệu đồng/120 ha.

‘Không được nể nang trong thi đua’ ảnh 2

Chiếc máy xới trục liên hợp của ông Cao Phi Hổ được người dân ĐBSCL sử dụng phổ biến. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Lương y Đào Viết Thoàn cho biết từ thực tế hiện nay mỗi khi bác sĩ thay băng vết thương bỏng cho bệnh nhân vẫn bị dính khiến cho bệnh nhân đau đớn, ông đã nghiên cứu phương pháp chữa bỏng làm cho bệnh nhân khỏi bệnh nhanh, hạn chế đau đớn và rút ngắn thời gian điều trị. Từ năm 2008 đến nay, ông đã bào chế thuốc chữa bỏng “mỡ sinh cơ” và đã ứng dụng đạt hiệu quả cao bằng phương pháp mới là bôi thuốc trên gạc đã được tẩm nước muối sinh lý, vắt khô đắp cho bệnh nhân bỏng thay cho phương pháp cũ là bôi thuốc trên gạc khô. “Với phương pháp này đã rút ngắn 14.836 ngày điều trị cho 5.784 người bệnh, tiết kiệm số tiền thuốc là hơn 4,729 tỉ đồng” - ông Thoàn nói.

_________________________________

50% là tỉ lệ những người trực tiếp lao động sản xuất được khen thưởng trong năm 2014. Tỉ lệ này trong năm 2013 là dưới 30%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm