Không để nhà công vụ thành ‘tư vụ’

Thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách ngày 10-9, vấn đề nhà ở công vụ lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về quy định nhà ở công vụ. Trong đó có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác. Cũng có ý kiến đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải...

Tuy nhiên, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ QH nhận xét quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sĩ làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác. Vì thế, ngoài việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo luật.

Đại biểu Lê Nam - Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa cho rằng nhà công vụ lâu nay không được quản lý rõ ràng. Ảnh: TTXVN

Góp ý nội dung trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lưu ý: Việc không lấy lại được nhà công vụ trong thời gian qua không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn gây khó khăn cho các đơn vị và những cán bộ được điều động công tác. Vì thế, trong luật này phải bổ sung các quy định để bắt buộc được cán bộ phải trả lại nhà công vụ sau khi nghỉ hưu.

Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đại biểu Lê Nam - Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa cho rằng do quản lý lâu nay không rõ ràng. “Đây là công sản nên phải dứt khoát về sử dụng, cán bộ đã nghỉ hưu phải trả lại cho Nhà nước hoặc bàn giao lại cho cán bộ thay thế. Nếu cán bộ vẫn gặp khó khăn về chỗ ở thì Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện để đảm bảo cho họ có chỗ ở khác” - ông Nam nói.

Để tránh tình trạng tài sản quốc gia là nhà công vụ đã biến thành “tư vụ”, đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH đề nghị tại kỳ họp QH tháng 10 tới đây, Chính phủ cần có báo cáo việc sử dụng nhà công vụ và nhà biệt thự để đại biểu QH biết thực trạng và thảo luận, cho ý kiến cụ thể.

THÀNH VĂN

Đóng BHXH theo lương và phụ cấp

Cùng ngày, thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều đại biểu QH tán thành quy định từ ngày 1-1-2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Bởi lẽ việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm