Không cung cấp thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đây là một trong nhiều biện pháp xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị quyết định xử lý thanh tra được đề ra tại dự án Luật Thanh tra sửa đổi, bổ sung do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo.

Công khai kết luận thanh tra
 
Theo dự luật, đó là hình thức xử lý cao nhất đối với những đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra nhưng không cung cấp; cung cấp không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, người ra quyết định thanh tra hoặc tiêu huỷ tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

Ngoài ra, ban soạn thảo còn đề xuất các hình thức như xử phạt hành chính, khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra nhưng không thực hiện thì sẽ tùy mức độ mà bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Tương tự, đối với các cơ quan quản lý, thủ trưởng cơ quan quản lý không thực hiện kiến nghị thanh tra cũng sẽ căn cứ theo mức độ mà có những hình thức xử phạt như trên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đỗ Gia Thư cho biết, nhằm xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý đồng thời tăng tính tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan thanh tra, dự luật bổ sung việc xem xét, xử lý kiến nghị ghi trong kết luận thanh tra. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm xem xét về những kiến nghị đã được ghi trong kết luận thanh tra và thông báo bằng văn bản. Trường hợp có ý kiến khác thì phải nêu rõ lý do và gửi cho cơ quan thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra. Những thông báo của thủ trưởng cơ quan quản lý được công khai theo quy định của Luật Thanh tra.

Cùng quan điểm này, ông Trương Khánh Hoàn, Bộ Nội vụ đề xuất cần bổ sung quy định trưởng đoàn thanh tra được ban hành kết luận thanh tra bởi trưởng đoàn thanh tra là người hiểu rõ nhất nội dung vụ việc.
 
Ban soạn thảo luật cũng cho rằng cần bổ sung quy định về công khai kết luận thanh tra. Theo đó, kết luận thanh tra được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hình thức công khai bao gồm: Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cần nghiên cứu thêm để việc công khai không làm phương hại đến lợi ích quốc gia nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu khách quan của người dân, để người dân giám sát, yêu cầu về phát triển và phòng ngừa tham nhũng.
 
Không phân biệt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành
 
Mặc dù đã được lấy ý kiến tại nhiều hội thảo, nhưng việc quy định như thế nào đối với tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Ông Đỗ Gia Thư cho rằng Luật Thanh tra sửa đổi lần này sẽ không phân biệt tổ chức các cơ quan thanh tra theo hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành, đồng thời không phát sinh thêm tổ chức các cơ quan thanh tra. Như vậy, thanh tra tổng cục, thanh tra cục, thanh tra chi cục chỉ là một bộ phận cấu thành của thanh tra bộ, thanh tra sở. Quan điểm của ban soạn thảo dự án luật là hoạt động thanh tra sẽ chỉ bao gồm: Thanh tra trách nhiệm, thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra chuyên ngành sẽ được tiến hành theo 2 hình thức thường xuyên và không thường xuyên.
 
Ông Phạm Tuấn Khải lại cho rằng giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành cần xem xét theo hướng ưu tiên, tăng cường hơn thanh tra chuyên ngành. Thậm chí, có cả thanh tra chuyên ngành “cắm” ở các địa phương. Bởi lẽ thanh tra hành chính chỉ thanh tra trong phạm vi trách nhiệm kỷ luật trong nội bộ cơ quan, tổ chức hoặc các quan hệ công vụ liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức. Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hiệu lực tác động rộng, đối tượng đa dạng và phức tạp… Do đó, cần củng cố thanh tra chuyên ngành hiện nay theo hướng “ưu tiên” cả về con người, trình độ, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.
 
Ông Nguyễn Tất Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình đề xuất nên nghiên cứu mô hình tổ chức thanh tra cấp xã, cấp huyện. Nếu chưa làm được nên thí điểm tại một số địa phương, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp. Theo ông Tiến, phân biệt thành các hoạt động thanh tra chuyên ngành, hành chính, kinh tế - xã hội là chưa ổn.

Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Trung Thịnh thì cho rằng nếu có thanh tra chi cục là vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó, ông Thịnh khẳng định cơ cấu tổ chức như dự luật đề xuất là hợp lý. “Nên điều chỉnh thanh tra khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để giải quyết hoạt động của các khu và giảm tải hoạt động của các cơ quan hành chính. Thanh Hoá đã phải thành lập một bộ phận tại khu kinh tế nhưng cũng không thể giải quyết được hết công việc”, ông Thịnh nói.
 
Ông Trương Khánh Hoàn nhận định nâng cao vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra là điều cần làm ngay tại lần sửa luật này. Theo ông Hoàn, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm phải do tổng thanh tra quyết định. “Chỉ có quy định như vậy mới bảo đảm tính chủ động, độc lập tương đối của thanh tra các cấp và bảo đảm sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra đối với các cơ quan thanh tra. Quy định như hiện nay khiến cơ quan thanh tra phụ thuộc quá lớn vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp”, ông Hoàn nói.

Theo KHÁNH LINH (báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm