Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung:

“Không có chuyện thân quen, xin xỏ”

Phát biểu gần đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Bằng cấp dỏm chỉ có thể chui vào bộ máy nhà nước”. Điều này phản ánh phần nào thực trạng của công tác tuyển chọn cán bộ hiện nay.

Tuy nhiên, các địa phương đã có nhiều biện pháp để chặn cán bộ dỏm lọt vào bộ máy của mình. Trên số báo ra ngày 4-3, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu những kinh nghiệm của TP Đà Nẵng và Thanh Hóa. Số báo này xin giới thiệu cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung về vấn đề trên.

Phải chứng tỏ năng lực thực tiễn

. Phóng viên:Thưa ông, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “Bằng giả, bằng dỏm chỉ có thể chui vào bộ máy nhà nước…” nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý của dư luận. Có rất nhiều ý kiến cho rằng đó là thực trạng có thật tại Việt Nam, cứ có quan hệ, quen biết, có tiền là kiểu gì cũng lọt được vào cơ quan nhà nước dù yếu năng lực. Tình trạng này ở TP.HCM, theo ông có tồn tại không?

“Không có chuyện thân quen, xin xỏ” ảnh 1
 
+ Ông Lê Hoài Trung: Thực trạng trên có thể xảy ra ở địa phương này, địa phương kia, điều đó tôi không nắm được. Nhưng có thể nói một cách chắc chắn rằng ở TP.HCM không có tình trạng đó.

Thứ nhất, mỗi kỳ thi tuyển công chức, TP đều làm rất kỹ, rất chặt chẽ, công khai, minh bạch ngay từ khâu sơ tuyển để có thể đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào. Sau khi qua vòng sơ tuyển, TP sẽ tổ chức thi tuyển đúng quy trình. Trúng tuyển mới được vào cơ quan nhà nước. Cũng bởi vì TP làm rất kỹ, nghiêm túc nên có thể khẳng định rằng bằng dỏm, những người năng lực yếu kém không có cơ hội lọt qua các vòng thi.

Thứ hai, khi trúng tuyển vào cơ quan nhà nước rồi không có nghĩa là mọi thứ đã xong. Anh có bằng cấp tốt, anh vượt qua các vòng thi một cách công bằng nhưng đó mới chỉ là một phần. Tiếp đó, anh sẽ phải chứng tỏ năng lực của mình thông qua thực tiễn công việc, cái này mới là quan trọng. Nhiều người trong quá trình học được đánh giá rất giỏi, thi tuyển cũng đạt điểm cao nhưng khi bắt tay vào làm việc mới thấy dở. Bởi vậy, chỉ coi trên bằng cấp thôi thì không đủ để đánh giá một người là tốt hay dở.

Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi trong một lần thi tuyển cán bộ công chức hành chính tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Thứ ba, mỗi kỳ thi nâng ngạch cũng sẽ là mỗi kỳ sàng lọc, xác định năng lực của công chức. Như vậy có thể thấy thông qua các bước từ sơ tuyển đầu vào cho tới đánh giá năng lực thực tiễn, sau đó là đánh giá sàng lọc thì đội ngũ cán bộ công chức của TP hầu hết đều là những người có đủ năng lực đảm trách nhiệm vụ của mình.

“Giỏi thì đậu, dở thì trượt”

. Khi nói đến chuyện xin vào làm việc trong một cơ quan nhà nước, người ta hầu hết đều thuộc câu: ‘Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”. Dù càng to, tiền càng nhiều thì chỗ càng… ngon. Theo ông, tình trạng trên xảy ra có phải là do quy trình tuyển dụng chưa công khai, minh bạch hay còn lý do nào khác?

Tình trạng chạy chọt vào cơ quan nhà nước ở đâu tôi không rõ nhưng ở TP.HCM là không có. Ở TP này, dù có là con ông to bà lớn, con nhà đại gia hay công nhân không biết nhưng cứ giỏi thì đậu, dở thì trượt. Không có chuyện thân quen, xin xỏ, nể nang. Lại càng không có chuyện tiền nhiều mà đậu, không tiền mà rớt. Con ai, cháu ai, giàu nghèo cũng như nhau cả, đều thi cử một cách công bằng, sòng phẳng.

Bắt đầu từ năm nay, TP sẽ thi tuyển công chức trên máy tính. Sau khi sơ tuyển, anh sẽ vào phòng thi và thi trên máy tính. Chỉ cần thi xong là anh sẽ biết ngay mình đạt, rớt thế nào, vì sao. Trước kia người chấm thì còn có thể nói này nói nọ, nào là quen biết, nào là gửi gắm nể nang. Giờ máy tính nó chấm, có biết ai thân, ai sơ, có biết nể ai đâu.

. Mặc dù quy trình thi tuyển rất chặt chẽ như vậy nhưng khó có gì đảm bảo chuyện bằng giả không lọt cửa vì bằng giả bây giờ cũng được làm rất tinh vi. Vậy TP đã có cuộc kiểm tra bằng cấp nào chưa và có phát hiện bằng giả không, thưa ông?

Thi tuyển đã chặt chẽ như vậy nhưng để chắc chắn hơn, vài năm trước TP đã tổ chức một đợt tổng kiểm tra rộng rãi, xác minh bằng cấp của cán bộ công chức trên toàn TP. Cũng có phát hiện một số ít bằng giả và đã có xử lý nghiêm. Cơ bản là cho tới giờ TP coi như đã giải quyết tận gốc được vấn đề này.

. Xin cảm ơn ông.

THU HƯƠNG thực hiện

. Phóng viên:Sắp tới đây TP sẽ có thêm những cách thức nào để tìm kiếm người giỏi nhằm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển của TP, nhất là đối với một đô thị đặc biệt như TP.HCM?

+ Ông Lê Hoài Trung: Hiện nay TP đang triển khai thực hiện Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức, vị trí việc làm… Trong đó có xác định chất lượng tuyển dụng đầu vào, thi cạnh tranh chức danh trưởng, phó phòng tương đương. Tiếp đó là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi vị trí, đánh giá hằng năm… để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TP theo chương trình đột phá của Đại hội IX Đảng bộ TP giai đoạn 2011-2015. Đây là một trong sáu chương trình đột phá mà Đảng bộ TP khóa IX đã đề ra, tính đến nay thì chương trình đã hoàn thành được 2/3 khối lượng công việc rồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm