NGUYÊN PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN MẠNH CẦM:

Không ai có thể xuyên tạc được lịch sử

Ngày 21-7, trao đổi với báo chí bên hành lang QH xung quanh tình hình biển Đông, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (ảnh) khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam và không ai có thể xuyên tạc được lịch sử.

. Dư luận gần đây lo ngại việc Trung Quốc sẽ mang dàn khoan lớn nhất của họ ra đặt ở Trường Sa. Đó có phải là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cách xử lý của chúng ta như thế nào thì hợp lý, thưa ông?

Không ai có thể xuyên tạc được lịch sử ảnh 1
+ Thông tin này trước tháng 7 họ đã đưa ra nhưng giờ chững lại và không biết tới đây sẽ thế nào. Nếu có chuyện đó thì tất nhiên chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, đấu tranh nhưng không gây căng thẳng, phức tạp vì vấn đề không chỉ liên quan đến chúng ta mà còn một số nước khác nữa. Chúng ta phải làm cho không chỉ nhân dân trong nước ủng hộ mà thế giới cũng thấy rõ điều đó để ủng hộ lập trường của chúng ta. Mình phải nói ra thì họ mới hiểu.

Cho nên tôi cho rằng tới đây công tác thông tin tuyên truyền của mình cần phải mạnh hơn. Thông tin tuyên truyền tốt thì bạn bè quốc tế sẽ biết thực chất của vấn đề và ủng hộ mình. Thế giới càng ủng hộ thì không ai xâm phạm của mình được.

. Trước những vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Theo ông có nên tính đến khả năng này hay không?

+ Kiện thì có cái phức tạp là phải cả hai bên đồng ý đưa ra kiện, còn nếu chỉ một bên thì tòa án quốc tế không chấp nhận thụ lý.

. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh cử tri rất quan tâm đến tình hình biển Đông và thông tin trong nước đến với người dân chưa nhiều. Theo ông, tại diễn đàn QH lần này có nên thông tin rộng rãi để toàn thể nhân dân biết?

+ Theo tôi được biết thì lần này trong chương trình có việc nghe báo cáo của Chính phủ về vấn đề này. Khi nghe báo cáo, tất nhiên QH sẽ có việc trao đổi, cho ý kiến. Tuy nhiên, quan điểm của ta về vấn đề này đã được nói rõ bằng nhiều cách. Như vừa rồi chúng ta cũng có một số biện pháp để làm nhân dân hiểu rõ lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thế nào, lẽ phải của chúng ta ở đâu và sai trái của các nước...

Vừa qua chúng ta cũng đề cập phải đưa nội dung này vào chương trình học trong trường phổ thông, tôi thấy rất cần thiết để từng trẻ em cũng có thể hiểu chủ quyền lãnh thổ của mình như thế nào. Trên cơ sở đó có thể thu được sự ủng hộ của toàn thể dân tộc, cộng thêm với dư luận quốc tế chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền của mình.

Hành động kiên quyết để bảo vệ chủ quyền quốc gia

Liên quan đến tình hình biển Đông, báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách sáu tháng đầu năm do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại QH sáng 21-7, nhìn nhận tình hình căng thẳng ở biển Đông tăng lên là thách thức mới của kinh tế-xã hội đất nước. Chính phủ cũng khẳng định đã triển khai kiên quyết và đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.

“Chúng ta cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo, đồng thời tăng cường tính chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng” - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh về một số giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Trước đó báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày cũng nhấn mạnh cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước…

THÀNH VĂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm