Khoảng trống Võ Văn Kiệt

Khoảng trống Võ Văn Kiệt ảnh 1Nhiều người cảm thấy “thiếu vắng” có thể vì “Chúng ta nương tựa và trông đợi quá nhiều vào sự lên tiếng của ông, trong khi ông muốn mọi người phải cùng lên tiếng”, GS Đào Xuân Sâm giải thích. Là một trong những người tham gia soạn thảo các văn kiện đổi mới của Đại hội VI, và rất gần gũi với ông Võ Văn Kiệt, GS Sâm nói rằng: “Ông Sáu không bao giờ thoả mãn với những gì đã công khai phát biểu”.

Ngay từ những năm 90, khi đang là thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy “nguy cơ” lớn nhất của đất nước không phải là “chệch hướng” mà là “tụt hậu”. Ông đã lên tiếng, nhưng, ông đã “cô đơn” như diễn tả của nhà nghiên cứu Huỳnh Bửu Sơn. Đó là lý do cho tới những ngày cuối đời ông vẫn chỉ mong sao Đảng phải hoàn toàn đổi mới theo hướng lấy dân tộc làm “định hướng” tối cao và mọi hoạt động trong Đảng phải hoàn toàn công khai dân chủ.

Theo ông Nguyễn Trung, ông Võ Văn Kiệt cho rằng: Nếu công tác cán bộ không được thực hiện thông qua lựa chọn dân chủ, có thể là tranh cử, thì đội ngũ lãnh đạo khó lòng mà tránh được tình trạng suy thoái vì bệnh “cận huyết”.

Năm 1951, khi là đại biểu của Đại hội Đảng lần thứ II, ông Võ Văn Kiệt chứng kiến đại hội đã thảo luận rất sâu đề nghị của Hồ Chủ tịch đổi tên Đảng Cộng Sản thành Đảng Lao Động Việt Nam. Ở đại hội ấy ông hiểu như thế nào là dân chủ; ông thấm nhuần tinh thần dân tộc của Hồ Chí Minh; ông nhận thấy vai trò tri thức thông qua tranh luận của những đại biểu thực sự là trí thức.

Ngay từ trong kháng chiến, ông đã “học” được rất nhiều từ những nhà trí thức, trong đó có nhiều người là cấp dưới của ông. Nhưng cũng chính nhờ thế mà ông đã trở thành một trong không nhiều lắm những nhà lãnh đạo được trí thức dành cho lòng kính trọng. TS Lê Đăng Doanh nói: “Tôi làm việc cho nhiều người, nhưng với anh Sáu thì “tâm phục” và trở nên thân thiết”. Ông Phan Chánh Dưỡng, một nhà nghiên cứu trong Nhóm Thứ Sáu, nhóm trí thức Sài Gòn cũ, làm “tư vấn chui” cho ông Võ Văn Kiệt từ thập niên 80, cho rằng: “Sở dĩ khi chú Sáu cần không ai từ chối là vì ông trải lòng ra với mọi người, khiến cho người ta không còn sợ và coi ông là một ông quan, người ta nói với ông mà không cần giữ gì lại trong lòng”. GS Đặng Phong cũng “kinh ngạc về sự chân thành” của ông với những người trí thức. Tất nhiên, sở dĩ trí thức cộng tác với ông, theo TS Nguyễn Quang A: “Còn bởi, ông không làm cho ông mà cho đất nước”.

Những năm sau 1975, theo ông Huỳnh Bửu Sơn, ông về Sài Gòn và nhận thấy “đất nước có hoà bình mà lòng người chưa có hoà bình”. Trong khuôn khổ của một nhà lãnh đạo địa phương, ông đã tự “hoá giải” những ấu trĩ của chính ông và của những thành viên trong chính quyền mới theo cách của một người không phải “đứng trên” mà là của một người trong cuộc.

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước kể, khi làm tập sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt, ông Kiệt cho rằng, đổi mới không phải từ trên mà từ dân: “Chính nhân dân Sài Gòn bằng kinh nghiệm của những năm sống trong kinh tế thị trường đã cứu Đảng bộ TP.HCM và Võ Văn Kiệt là người đã nắm bắt được điều đó để đưa ra những quyết định”. Không chỉ chỉ ra chính sách nóng vội “đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội” đã mắc không ít sai lầm, “nhân dân Sài Gòn” đã giúp ông nhận ra, lãnh đạo một quốc gia phải bằng luật pháp chứ không thể chỉ bằng nghị quyết.

Kể từ khi rời căn nhà 16 Tú Xương, tháng 1.2007, ông Võ Văn Kiệt lại bận bịu hơn cho những vấn đề của đất nước. KTS Nguyễn Trọng Huấn kể: Một lần, cùng ông về lại ấp Bình Phụng, đến mảnh đất mà ngày xưa mẹ ông, từ một chái nhà đã sinh ra tám người con trong đó có Phan Văn Hoà (Chín Hoà, về sau trở thành Võ Văn Kiệt), ông nói, “Các cậu tính xem mình nên làm gì ở đây”. Chúng tôi về nghĩ, đường đường ông là thủ tướng nên cho vẽ một toà nhà to, nghĩ sau này sẽ trở thành nơi thờ tự. Ông xem, khen đẹp rồi bảo: “Chín Hoà có thể xây một cái nhà to vậy giữa một ấp nghèo như thế này sao?”. Trong những dòng cuối cùng của ông, ông dặn đừng lấy tên ông để đặt tên đường. Có lẽ, điều ông muốn, như nhà nghiên cứu Phan Chánh Dưỡng “đọc” được là, những người thực sự yêu mến ông hãy đi tiếp con đường mà ông đang đi dang dở.

Chiều ngày 30.5, trên bia mộ, bên cạnh tấm hình của ông đã có thêm hình của bà Trần Kim Anh về đoàn tụ. Theo bác sĩ Huỳnh Hoài Nam, người đã phục vụ ông trong chiến tranh, đây chính là tấm hình duy nhất còn lại của bà Kim Anh, tấm hình ấy cùng với bộ quần áo của bà là hai vật “bất ly thân” với ông trong những năm chiến tranh.

Cũng trong buổi chiều 30.5, anh ruột bà Trần Kim Anh, ông Trần Quang Hiến, năm nay 80 tuổi, kể: Sau cái chết của em tôi và hai cháu ít lâu (1.1966), dượng Bảy (ông Võ Văn Kiệt) viết thư về cho ông bà già tôi hứa sẽ suốt đời chăm sóc. Ông bà già tôi lần lượt qua đời năm 1972 rồi năm 1973. Tôi định khi nào gặp lại ông sẽ trao lại mấy lá thư mà ông đã gửi. Nhưng, khi ông về, đã là cán bộ cao cấp, tôi nghĩ nên để ông tập trung làm việc, giữ mấy lá thư lại, định khi nào ông về làm dân sẽ đưa. Cả dòng họ tôi ai cũng bảo nhau đừng làm gì phiền ông, để ông làm việc.

Lần nào gặp nhau, ông cũng nhắc lại cái giếng sen của nhà tôi mà kể từ khi cưới em tôi, ông về, tự tay bắc hai cây cầu để cho mọi người dễ dàng gánh nước. Mỗi khi về nhà, ông và em tôi lại ríu rít giặt đồ và trò chuyện trên cái cầu bắc nơi giếng sen ấy. Gần đây, tôi về lại ngôi nhà cũ, cho dù cảnh xưa thay đổi, vẫn ngồi tưởng tượng, vẽ lại khu vườn cũ, cái giếng sen xưa và hai cây cầu ông bắc; nghĩ, bây giờ coi như ông cũng là dân, định vẽ xong mang lên cho ông, kể cả bức thư mà tôi đã giữ hơn 40 năm, nhưng chưa vẽ xong thì ông đi mất.

Theo Huy Đức (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm