Khẩn trương phòng chống bão số 10

Đã có thiệt hại do bão số 10

Từ 9 giờ sáng 13-10, bão số 10 đã ảnh hưởng tới đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) với sức gió cấp 12, giật trên cấp 15, gây thiệt hại về tài sản và người cho huyện đảo này.

Gió lớn làm đổ nhiều cây cối, những nhà có mái tôn đều bị tốc mái, tàu thuyền trong âu tránh bão không thể buộc neo cố định. Xung quanh đảo mịt mù sóng nước, tầm nhìn từ không quá 20m. Cột điện chạy bằng sức gió (nguồn cung cấp điện duy nhất cho đảo) đã bị đổ gẫy.

Nhằm đảo bảo an toàn tín mạng cho nhân dân, chính quyền huyện đảo đã cấm người dân ra khỏi nhà trong bão lớn. Phó chủ tịch huyện đảo Đinh Quốc Ái cho biết toàn bộ người dân sống ở những căn nhà cấp 4, có mái tôn đã được di chuyển tới các trụ sở làm việc kiên cố an toàn của huyện để tránh bão. Mưa to, gió lớn nên công tác cứu hộ, cứu nạn trên đảo gặp rất nhiều khó khăn.

Tàu, thuyền vào nơi trú bão an toàn
Tàu, thuyền vào nơi trú bão an toàn

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, dự kiến, tối và đêm 13-10, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền của thành phố. Toàn bộ tàu bè trên biển đã về nơi an toàn tránh bão. Huyện Cát Hải đã khẩn trương di dân vùng trũng, thấp như xã Hoàng Châu, Hiền Hào, Văn Phong... 

Trưa 13-10, các huyện ven biển của tỉnh Nam Định đã có gió bão cấp 5-6; tại một vài điểm, gió bão kết hợp triều cường khiến sóng biển tràn lên mặt đê, trong đó đoạn đê biển thuộc xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng đã bị sạt sụt với diện tích 150 m2. Chiều tối cùng ngày là thời điểm nước kiệt nhưng rạng sáng 14-10 thủy triều sẽ lên, đúng lúc bão số 10 dự kiến đổ bộ vào đất liền, do đó nguy cơ tràn, vỡ đê sẽ rất cao. Các xã ven biển thuộc 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy đã chuẩn bị phương án, sẵn sàng di dời khoảng 20.000 dân vào nơi an toàn.

UBND TP Hà Nội đang khẩn trương chỉ đạo các Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân thành phố cùng các các sở, ngành và 29 quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 10. Thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các phương án phòng chống mưa lũ theo kế hoạch, phương án đã xây dựng, tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập, trạm bơm tiêu, sông trục tiêu, các công trình đê điều, các công trình đang xây dựng, chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn công trình, để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống bật lợi do bão, lũ gây ra.

Tàu thuyền vào tránh bão tại khu vực cảng cá Cửa Hộ, Nghệ An ngày 13-10
Tàu thuyền vào tránh bão tại khu vực cảng cá Cửa Hộ, Nghệ An ngày 13-10

Chiều 13-10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc họp khẩn bàn các phương án đối phó với bão số 10. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, tỉnh đã tổ chức sơ tán triệt để nhân dân khỏi vùng nguy hiểm thuộc các địa bàn ven sông, ven biển, sát mép nước... từ 15 giờ chiều 13-10. Việc sơ tán dân phải được thực hiện xong trước 21 giờ đêm 13-10.

Theo dự báo, bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa trong đêm 13-10. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương chia thành nhiều hướng trực tiếp xuống cơ sở cũng như các địa bàn trọng yếu ở các huyện ven biển để chỉ đạo các biện pháp đối phó với bão số 10.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến 16 giờ chiều 13-10 đã kêu gọi được 6 tàu đang hoạt động ở khu vực không an toàn về nơi tránh, trú bão. Như vậy, 100% tàu thuyền và ngư dân Nghệ An đang hoạt động trên biển đã về nơi trú đậu tại địa phương và các nơi khác an toàn. Những tàu thuyền đã về nơi trú đậu đang được chằng, néo chặt chẽ, an toàn đề phòng gió lốc của cơn bão số 10 làm va đập.

Thông tin từ Cảng tàu Du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết do mưa to, gió lớn và đề phòng những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10 từ sáng 13-10, cảng tàu khách Bãi Cháy đã ngừng cấp lệnh cho hơn 430 tàu vận chuyển khách tham quan Vịnh Hạ Long và yêu cầu các phương tiện trên về nơi tránh bão an toàn. Đối với các tàu thuyền ngủ đêm trên vịnh, ngay từ trước khi bão về, ngày 12-10 cảng đã ngừng cấp lệnh và yêu cầu các tàu về nơi neo đậu an toàn.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, tất cả 3.758 tàu cá của các ngư dân đã nắm được thông tin, diễn biến cơn bão số 10 nên đã về nơi trú ẩn an toàn. Tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ có 37 tàu cá ngư dân xã Thạch Kim, Thạch Bằng huyện Lộc Hà với gần 1.900 ngư dân về trú ẩn an toàn, ở xã cẩm Lĩnh huyện Cẩm Xuyên có 12 chiếc tàu về trú ẩn. Tại vùng biển Phan Thiết có 4 tàu cá ngư dân xã Cẩm Nhượng- Cẩm Xuyên nhận được thông tin bão số 10 đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do chủ quan trong bão số 9, UBND các xã tổ chức kiểm tra chặt chẽ không để người qua lại sông suối, tràn xả lũ, ra sông vớt củi, gỗ khi có mưa lũ. Trong hai ngày 13 và 14-10, các trường có học sinh phải đi đò qua sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La, nếu không đảm bảo an toàn thì cho học sinh tạm nghỉ học…

Thủ tướng ra công điện khẩn

Chiều 13-10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện khẩn 1893/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh báo; tổ chức neo đậu an toàn cho tầu thuyền trong các khu trú bão.

Công điện nêu rõ: Huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng trường học, bệnh viện, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (ven biển, vùng cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất).

Việc di dời phải hoàn thành trước 22 giờ ngày 13-10-2009, tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, chỉ đạo một loạt các biện pháp khẩn cấp, chủ động ứng phó với cơn bão số 10 (có tên quốc tế Parma) đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền với cường độ mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.

Đường đi của bão Parma rất kỳ dị

Hình thành từ ngày 28-9 ở phía đông của Philippines, bão Parma chịu ảnh hưởng của siêu bão Melor nên đường đi rất kỳ dị. Bão đã hai lần quét qua đảo Luzon (Philippines), hai lần đi vào biển Đông và tạo hai nút thắt trên đường đi. Quét qua Philippines lần thứ nhất, bão làm ít nhất 16 người chết. Lần thứ hai trở lại, bão đã gây mưa lớn, sạt lở đất làm 160 người chết.

Bão số 10 kết hợp với không khí lạnh gây gió mạnh ở vịnh Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 17 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 107,9 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Hà Tĩnh khoảng 170 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Bão số 10 đã gây ra gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14 trên vịnh Bắc Bộ; vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 4 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc, 106,8 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 15-10, vị trí tâm trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,6 độ vĩ Bbc, 103 độ kinh đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo chiều tối và đêm 13-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3m – 5m.

Bão số 10 bất ngờ mạnh thêm

Theo Chinhphu.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm