Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009: Phát hiện 315 ngàn hộ “bơ vơ”

Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương vừa có báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết quả 20 ngày điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc. Theo đó, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã kết thúc với hơn 99% hộ dân (khoảng 22 triệu hộ và hơn 84 triệu người) được điều tra. Hầu hết các địa phương đã hoàn thành tiến độ điều tra, tuy nhiên qua cuộc tổng điều tra này, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm nhiều sai sót để rút kinh nghiệm, nhất là sai sót có tính hệ thống.

Một điều tra viên “rà” 300 hộ dân

Theo ông Đồng Bá Hướng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, cả nước có 99,1% hộ dân đã được điều tra. Sự thiếu hụt 0,9% chủ yếu là do thời gian bố trí (hai ngày) cho công tác rà soát địa bàn là quá ít trong khi phạm vi rà soát lại quá rộng (một điều tra viên (ĐTV) phải phụ trách hai địa bàn khoảng 300 hộ dân), nhất là tại các địa bàn phức tạp của một số khu đô thị và các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Ngoài ra, trong thời gian kéo dài để rà soát số hộ dân bị bỏ sót (ba ngày 20, 21, 22), Ban chỉ đạo trung ương đã tiếp nhận thêm 352 người dân gọi theo đường dây nóng thông báo chưa thấy ĐTV đến phỏng vấn (nhiều nhất là hai TP Hà Nội và TP.HCM). Tuy nhiên, khi xác minh lại, có đến 80% trong tổng số người điện thoại đến ban chỉ đạo đã được vợ (chồng) của người báo tin kê khai hoặc ĐTV nắm thông tin gián tiếp qua người khác do chủ hộ nhiều lần đi vắng. Kết quả sau 20 ngày điều tra, khoảng 760 hộ, 3.050 nhân khẩu bị bỏ sót, chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng nhân khẩu của cả nước.

Tổ trưởng không làm tốt chức năng

Ban chỉ đạo cũng trình bày rõ với Chính phủ về những sai sót phát hiện trong quá trình điều tra. Đó là tình trạng nhiều tổ trưởng không làm tốt ba chức năng: quan sát phỏng vấn, kiểm tra điểm và kiểm tra 100% phiếu từ ĐTV. Nguyên nhân bởi những tổ trưởng này đã kiêm làm ĐTV hoặc được giao phụ trách nhiều địa bàn hay một số tổ trưởng là công chức phường/xã nên không dành đủ thời gian cho công tác quản lý ĐTV.

Một số ĐTV yếu nghiệp vụ, không được tổ trưởng bổ khuyết kịp thời nên đã mắc nhiều lỗi như ghi thiếu hoặc thừa thông tin do thực hiện sai bước nhảy; ghi nhầm cột; ghi câu trả lời về ngành, nghề còn chung chung sẽ gây khó khăn cho khâu ghi mã số sau này; phỏng vấn không theo quy trình...

Bên cạnh đó, nhiều ĐTV còn chủ quan, bỏ qua một số câu hỏi vì “đã biết”, sử dụng sổ hộ khẩu hoặc sổ sách theo dõi để chép thông tin. Thậm chí có ĐTV còn hiểu sai khái niệm, chẳng hạn như “người ở nhờ” khai là “không có nhà ở” đã vội ghi vào phiếu; coi tất cả học sinh đều “không làm việc” ở các câu hỏi về việc làm trong bảy ngày qua hay coi tất cả những người đang hoặc đã học xong tiểu học đều biết đọc, biết viết!

Quản lý nhân khẩu còn nhiều bất cập

“Bài học lớn nhất rút ra từ cuộc tổng điều tra này là gì?”. Theo ông Hướng, đó là sự quản lý nhân khẩu ở nước ta còn nhiều bất cập.

Hệ thống quản lý nhân khẩu nước ta hiện nay gồm ba cơ quan: Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp). Mặc dù có ba cơ quan quản lý về nhân khẩu nhưng khi điều tra đã phát hiện 315 ngàn hộ và 801 ngàn người đang “bơ vơ”, không chịu sự quản lý của ai so với tổng số nhân khẩu ban đầu. Nhiều hộ đã chuyển đi nơi khác nhiều năm nhưng tại địa phương vẫn chưa xóa tên. Hay nhiều người đã đến ở vài ba năm nhưng vẫn không hề đăng ký hộ khẩu.

Bên cạnh đó, chính vì không cập nhật được số nhân khẩu đang sinh sống tại địa phương nên vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em và người già không được đầy đủ.

Ông Hướng cho hay cuộc tổng điều tra này cũng rút ra nhiều bài học về khâu chuẩn bị, thiết kế phiếu... Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho những lần điều tra tiếp theo. Theo kế hoạch, tháng 7 ban chỉ đạo sẽ sơ kết kết quả của cuộc tổng điều tra và đến năm 2010 sẽ có tổng kết.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm