Kênh phát ngôn còn nghẽn ở nhiều nơi

Qua gần năm năm thực hiện quy chế, ở một số nơi, một số cơ quan, báo chí được hỗ trợ cung cấp thông tin tốt hơn, kịp thời hơn, giúp báo chí tránh sai sót không đáng có và chạy lòng vòng kiếm tìm thông tin. Thế nhưng nghiêm túc nhìn nhận lại cũng còn không ít những vướng mắc, bất cập... Hội nghị toàn quốc tổng kết năm năm thi hành quy chế này tổ chức sáng nay tại TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục mổ xẻ vấn đề này.

Quy chế phát ngôn ra đời là để mở thêm kênh phát ngôn, cung cấp thông tin chứ không phải thu hẹp lại. Mặc dù các giới chức có thẩm quyền ở Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần giải thích, khẳng định như vậy nhưng trên thực tế vẫn tồn tại cách hiểu không đúng về quy chế phát ngôn khiến cánh cửa tiếp cận thông tin chính thống trong nhiều trường hợp đã đóng lại trước báo chí. Đây cũng là vấn đề mà Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần đề cập.

Kênh phát ngôn còn nghẽn ở nhiều nơi ảnh 1

Các PV muốn hỏi thông tin về vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký (tháng 5-2011) nhưng ông Phan Tấn Kiệt, Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh Bình Dương (bìa phải), tìm mọi cách thoái thác, từ chối trả lời. Ảnh: NHƯ PHÚ

Chỉ NPN mới có quyền nói?!

Ngay khi quy chế phát ngôn ra đời, nhiều cơ quan cử NPN, có thể là chủ tịch, giám đốc, thủ trưởng cơ quan,… nhưng thường là chánh văn phòng. Nhiều người, nhiều nơi cứ nghĩ đã cử NPN thì mọi việc phát ngôn, từ thông báo tình hình chung theo định kỳ đến thông tin về các sự kiện đột xuất, các diễn biến nóng, kể cả thông tin việc xử lý, giải quyết các vụ việc, hồ sơ cụ thể, nhất nhất đều phải thông qua NPN. Hiểu như vậy nên nhiều người  không phải là NPN đã “ngậm tăm” với báo chí dù chỉ là để thể hiện ý kiến, quan điểm chuyên môn về một vấn đề nào đó (trong khi trước kia họ tỏ ra hết sức cởi mở với báo chí!). Lý lẽ chủ yếu là: “Mình không phải là NPN, không được phát ngôn nếu thủ trưởng chưa cho phép”.

Một số quy chế “con” của các cơ quan còn chứa đựng quy phạm cấm đoán kiểu như trên. Đơn cử như quy chế phát ngôn của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 26-9-2007 quy định cán bộ, công chức được báo chí đề nghị trả lời phỏng vấn thì người đó phải báo cáo, xin phép tổng thanh tra (bằng văn bản), ghi rõ nội dung phỏng vấn và chỉ được trả lời phỏng vấn sau khi được tổng thanh tra đồng ý. Tương tự, quy chế phát ngôn của Bộ Xây dựng cũng quy định lãnh đạo đơn vị hoặc công chức phải báo cáo bộ trưởng về nội dung được phỏng vấn và chỉ trả lời sau khi bộ trưởng đồng ý…

Từng bị từ chối cung cấp thông tin theo kiểu “trăm dâu đổ đầu NPN” như trên, PV Như Phú (báo Người Lao Động) kể: Có lần tôi đến Công an phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An để xin thông tin và chụp ảnh đối tượng chăn dắt ăn xin vừa bị công an phường này bắt giữ. Trưởng công an phường bảo phải có chỉ đạo của cấp trên mới đồng ý cung cấp thông tin. Khi tôi liên hệ qua điện thoại với phó trưởng Công an thị xã Thuận An lúc đó thì vị này thoái thác với lý do “phải có ý kiến chỉ đạo của ban giám đốc công an tỉnh” và đề nghị tôi liên hệ với NPN của công an tỉnh. Đối với những vụ việc nhỏ lẻ như thế này mà phải chạy lên đến ban giám đốc công an tỉnh thì quả là quá nhiêu khê! Có khi lên đến tỉnh cũng công cốc vì nhiều lần trong các vụ tương tự, NPN công an tỉnh đã trả lời “chưa nghe báo cáo nên không biết”.

Người nói thì không nắm...

Hiện nay NPN phần lớn là kiêm nhiệm, không được đào tạo kỹ năng cung cấp thông tin nên gặp nhiều lúng túng, thậm chí né tránh. Có những vụ việc, sự kiện, vấn đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu nhưng NPN (phần lớn là chánh văn phòng) khó có thể nắm cụ thể, đầy đủ thông tin như người trực tiếp giải quyết. Từ đó dẫn tới nghịch lý: Người được nói thì không rành rẽ để nói, để cung cấp thông tin cho báo chí. Còn người nắm rõ vụ việc, có đầy đủ thông tin thì lại không được nói (hoặc vin cớ có NPN nói rồi để không phải nói).

Trong một lần trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Nguyên Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, đã nêu một thực trạng là nhiều NPN không có kỹ năng, nghiệp vụ tiếp xúc với báo chí nên họ dễ có tâm lý ngại ngùng, e dè, mất tự tin và thậm chí là né khi PV liên hệ lấy thông tin đột xuất hoặc hỏi về những vấn đề hơi gai góc. Hoặc có NPN do hiểu vấn đề không đầy đủ thì họ cũng tìm cách an toàn nhất là không gặp báo chí. “Nếu NPN cứ tránh báo chí thì người thiệt thòi chính là công chúng” - ông Trường kết luận.

Những chiêu né báo chí kinh điển

Ngoài chiêu kinh điển hay được áp dụng là viện cớ bận họp, đi vắng, đi công tác thì trong thực tế cũng còn vô vàn các chiêu thức để những người có trách nhiệm thoái thác cung cấp thông tin cho báo chí.

- Cho đợi đã đời rồi xù luôn. Ngay sau vụ chìm tàu Dìn Ký khiến 16 người thiệt mạng, sáng 25-5-2011, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN đến làm việc tại Sở GTVT tỉnh Bình Dương. Biết thông tin này, hơn 10 PV nhiều tờ báo xin vào dự họp nhưng ông Phan Tấn Kiệt, Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh Bình Dương, từ chối và hứa kết thúc cuộc họp sẽ thông tin.

Ngồi chờ khoảng 5 giờ đồng hồ (từ 8 giờ 30 đến 12 giờ 30), khi cuộc họp vừa kết thúc, các PV tiếp cận ông Kiệt để hỏi. Lúc này ông Kiệt lại bảo rằng ông không phải NPN mà là lãnh đạo Sở GTVT. Ông Kiệt thông báo giám đốc sở vừa dự cuộc họp xong có việc đi công tác đột xuất (?). Khi một PV chất vấn việc ông hứa kết thúc cuộc họp sẽ thông tin, sao giờ không giữ lời thì ông Kiệt đáp: “Theo góc độ cá nhân tôi, hết giờ làm việc rồi. Cơ quan điều tra đang làm việc, chúng tôi không có ý kiến!”.

- PV xoay như... đèn cù. Tháng 3-2012, PV Pháp Luật TP.HCM nắm được thông tin ông Phan Châu Tuấn, Viện trưởng VKSND huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), có đơn thư tố cáo gửi cơ quan có thẩm quyền. Để làm rõ nội dung đơn tố cáo, PV đã liên lạc với giám đốc công an tỉnh, viện trưởng VKSND tỉnh và bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng.

Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương cho biết thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo phải là VKSND Tối cao nên không thể trả lời được. Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thì nói vụ việc này Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy Dầu Tiếng rồi. Hỏi bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng thì vị này khẳng định Huyện ủy chỉ giải quyết về mặt  Đảng, tổ chức cán bộ còn việc ông Tuấn bị công an huyện bắt giữ và vụ có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án thì thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra!

TRUNG DUNG

T.HOA - T.HOÀNG tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm