Họp Chính phủ tháng 3: Tăng trưởng GDP cả năm có thể chỉ đạt 5%

Hôm qua (30-3), lần đầu tiên cuộc họp thường kỳ của các thành viên Chính phủ, phần thảo luận kinh tế-xã hội (KT-XH), đã được kết nối tới 63 văn phòng UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Lần đầu tiên các chủ tịch tỉnh theo dõi qua cầu truyền hình trực tiếp và có cơ hội góp ý kiến các chủ trương, chính sách của Chính phủ khi tất cả mới đang trong vòng thảo luận giữa Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Khó khăn đã tới “đáy”?

Tại buổi họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo các chỉ số kinh tế cho thấy suy thoái kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp tới các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu của cả nước.

Ba tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu không đạt được so với kế hoạch khiến tăng trưởng GDP quý I chỉ còn 3,1%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đây là kết quả sau nhiều nỗ lực triển khai các nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế, cho thấy có thể phải điều chỉnh các chỉ tiêu KT-XH năm 2009.

Đồng tình với phân tích này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% Quốc hội đặt ra. Vì vậy, có thể phải trình Quốc hội để điều chỉnh xuống còn 5%.

Với con mắt của người điều hành kinh tế vĩ mô lâu năm, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng: “5% đã là quá tốt trong tình hình hiện nay”. Tuy nhiên, ông Thúy nói mức tăng trưởng 3,1% của quý I là “đáy” và đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thuận lợi cho phát triển. Chẳng hạn, những tháng đầu năm, giá cổ phiếu các ngân hàng thương mại ở Mỹ đã tăng trở lại, trong lúc thị trường nhà đất - vốn là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt đầu ấm lên. Giá dầu mỏ cũng khá đồng điệu, từ mức đáy trên dưới 40 USD/thùng đã lên 50 USD. Ông Thúy cũng tin tưởng là với hàng loạt biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ cả ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ ba và là cường quốc xuất khẩu, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ đến ngay trong vài tháng tới chứ không phải đợi đến cuối năm.

Tiếp tục giảm thuế

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 5% lại rất đáng lo ngại trong mắt Bộ Tài chính. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết chỉ riêng việc giá dầu thế giới quá thấp so mức 60 USD/thùng khi trình Quốc hội cuối năm trước đã khiến giảm thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng. Nay tăng GDP mà giảm thì thu ngân sách sẽ hụt tiếp 12.000 tỷ đồng nữa. Đó là chưa kể do ảnh hưởng của hàng loạt biện pháp an sinh, kích cầu tiêu dùng mà thu ngân sách quý I đã tăng trưởng âm, chỉ bằng 88% so với cùng kỳ năm ngoái... Trong tình hình đó, viễn cảnh Chính phủ phải mở rộng việc phát hành trái phiếu vay của dân để chi cho các mục tiêu KT-XH, dẫn tới đẩy mức bội chi lên cao trên mức Quốc hội duyệt là khó tránh khỏi.

Khó khăn nguồn thu như vậy nhưng để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn nguy hiểm này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn kiến nghị Chính phủ tiếp tục cắt giảm thuế cho nhiều ngành hàng, lĩnh vực, chẳng hạn giảm thuế VAT cho ngành sợi, vải, may mặc, vật liệu xây dựng, ôtô, xe máy; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, miễn nộp thuế thu nhập cá nhân cho người thu nhập thấp. Bù vào đó, phải giảm chi ngân sách bằng cách giãn, dừng các dự án kém hiệu quả, bớt hội họp, mua sắm công. Còn ông Lê Đức Thúy thì cho rằng trước tình hình lạm phát thực tế thấp hơn dự đoán, có thể hạ lãi suất cho vay từ 8% hiện tại xuống 6%, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận tín dụng. Kết hợp với các giải pháp đã đề ra và thực hiện thời gian qua, doanh nghiệp trong nước sẽ được dưỡng sức, sẵn sàng bung ra khi thị trường thế giới phục hồi.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm