Họp báo trước kỳ họp QH: Chưa định bán cổ phần bô-xít cho nước ngoài

Các nội dung về khai thác bô-xít Tây Nguyên chiếm hơn nửa số câu hỏi trong buổi họp báo trước kỳ họp Quốc hội (QH) hôm qua (18-5). Dưới đây là trả lời của người chủ trì họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, Pháp Luật TP.HCM ghi lại.

Không dùng lao động “tay chân” nước ngoài

VietNamNet: Thưa ông, trong kỳ họp này Chính phủ sẽ có báo cáo QH về khai thác bô-xít, UBTVQH đã phân công ủy ban nào thẩm tra báo cáo này chưa?

Họp báo trước kỳ họp QH: Chưa định bán cổ phần bô-xít cho nước ngoài ảnh 1+ Chúng ta biết rằng khu vực được phân vùng quy hoạch để thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bô-xít đã có sự nhất quán về chủ trương của Đảng ta tại Đại hội IX và Đại hội X. Bộ Chính trị cũng đã có thông báo, UBTVQH và Chính phủ đã quyết định tại kỳ họp này có một báo cáo chung trình bày trong báo cáo về kinh tế-xã hội (KTXH) về vấn đề này. Đồng thời, có một báo cáo chi tiết, đầy đủ cả về quy hoạch, phân vùng cả về mục tiêu dự án và những nước tham gia triển khai dự án ở Tây Nguyên.

Nhân đây, tôi cũng nói thêm để các nhà báo biết là tinh thần của Bộ Chính trị, QH, Chính phủ là làm thế nào để xây dựng ngành công nghiệp bô-xít -aluminium nhôm phục vụ phát triển KTXH của cả đất nước, cho Tây Nguyên trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, đảm bảo tốt về môi trường cho trước mắt, lâu dài cũng như đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng. Hiện nay, chủ đầu tư các dự án là Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), chúng ta chưa có chủ trương bán cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Yêu cầu của Chính phủ là phải lựa chọn công nghệ hiện đại và thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu môi trường. Lao động thì lấy lao động trong nước, còn lao động nước ngoài thì chỉ sử dụng lao động có kỹ thuật khi cần thiết.

VNExpress: Thưa ông, đã có báo cáo của Chính phủ trình QH thì phải có báo cáo thẩm tra của một cơ quan của QH; các dự án này có số tiền không quá lớn nhưng thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri, QH có thực hiện giám sát chuyên đề và có chính kiến gì về vấn đề này không?

+ Theo quy định, những vấn đề về kinh tế thì có Ủy ban Kinh tế thẩm tra, về vấn đề khoa học, môi trường thì có Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường. Thường vụ QH đang giao cho các ủy ban này phải có trách nhiệm thẩm định các nội dung này. Còn trước QH, ủy ban nào sẽ đứng ra trình bày báo cáo thẩm tra thì thuộc vào phân công của người điều hành.

“Chắc chắn là QH sẽ ủng hộ chủ trương”

Pháp Luật TP.HCM: Tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu QH trước kỳ họp thứ 5, cử tri đã quan tâm và kiến nghị những gì đối với vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, thưa ông?

+ Chúng ta biết rằng địa bàn Tây Nguyên chủ yếu là rừng núi và nhân dân ta sống nhiều ở những vùng cao. Vừa rồi cử tri rất quan tâm là việc khai thác đó làm sao giải quyết tốt môi trường. Cho nên đối với nhiều đồng chí cán bộ lão thành, với nhân dân cả nước thì có thể đây là một quan tâm số một. Khi đặt vấn đề làm dự án này, Bộ Chính trị đã quán triệt rất rõ điều đó. Nguồn tài nguyên bô-xít ở Tây Nguyên rất lớn, nếu cứ để tài nguyên dưới lòng đất thì vùng này rất khó khăn. Khai thác chế biến bô-xít sẽ góp phần phát triển công nghiệp cả nước nói chung và ngành công nghiệp bô-xít trên địa bàn nói riêng. Nó cũng sẽ giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế vùng này.

Cũng có ý kiến cho rằng nguồn lao động trong nước ta còn nhiều, tại sao không đào tạo để dùng cho vùng công nghiệp này? Cái này thì mục tiêu của Đảng, nhà nước và đơn vị tổ chức thực hiện trực tiếp là TKV đang chuẩn bị đào tạo, đưa lực lượng lao động vào dự án này. Tôi khẳng định lại lần nữa là đối với lao động nước ngoài, chúng ta chỉ hợp tác và thuê lao động kỹ thuật khi cần thiết.

Tuổi Trẻ: Chính phủ báo cáo vấn đề bô-xít ra QH, trong trường hợp các đại biểu QH không đồng ý với dự án này thì phương án xử lý tiếp theo sẽ như thế nào? Báo chí có được đưa tin về vấn đề này không, thưa ông?

+ Tôi xin khẳng định rằng QH hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Như tôi nói ban đầu thì Đảng và nhà nước có chủ trương từ Đại hội IX và Đại hội X. Bộ Chính trị cũng vừa có kết luận về vấn đề này, trong đó khẳng định khai thác bô-xít Tây Nguyên là chủ trương của Đảng, nhà nước, một trong những nội dung phát triển công nghiệp, thúc đẩy KTXH đất nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội và chắc chắn là QH sẽ ủng hộ. Còn việc triển khai như thế nào và tuyển lao động ra sao, dự án nào làm được, vùng nào thì làm được... thì nó thuộc sự điều hành của Chính phủ.

Báo chí chúng ta tự do ngôn luận, cái gì đúng thì chúng ta đưa tin. Chúng ta phản ánh cho quốc dân đồng bào biết chủ trương của Đảng và nhà nước, đã thực hiện như vậy rồi, lợi ích vì người dân, vì sự phát triển đất nước, vì cộng đồng.

. Xin cảm ơn ông.

Dành nhiều thời gian xem xét các giải pháp kinh tế

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết kỳ họp này QH sẽ thảo luận và thông qua 12 dự án luật, cho ý kiến sáu dự án luật khác. Trong đó, có những dự luật được dư luận quan tâm, như Luật Bồi thường nhà nước, Luật Quy hoạch đô thị, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự...

Tuy nhiên, trước tình hình KTXH có những diễn biến đặc biệt do tác động của khủng hoảng toàn cầu, QH sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các giải pháp kích cầu, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. “QH sẽ xem xét các giải pháp kinh tế trong thời điểm khó khăn. Khủng hoảng có thể là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế” - ông Dũng dự đoán.

Kỳ họp thứ 5, QH khóa XII sẽ khai mạc vào ngày mai 20-5 và dự kiến bế mạc vào 20-6.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm